1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nhân vật định hình chính sách châu Á của Mỹ dưới thời Biden

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhà ngoại giao kỳ cựu Kurt Campbell - người từng giúp định hình chính sách xoay trục sang châu Á dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama - sẽ "tái xuất" trong chính quyền Joe Biden.

Nhân vật định hình chính sách châu Á của Mỹ dưới thời Biden - 1

Ông Kurt Campbell (Ảnh: Reuters)

Khi Kurt Campbell đảm nhiệm vị trí trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông được xem là một quan chức quan trọng, có tầm ảnh hưởng nhất định trong chính sách châu Á của Mỹ.

Có thể nói, trong nhiều năm dưới thời ông Obama, ông Campbell đã đóng góp không nhỏ vào các quyết sách của chính quyền liên quan tới chiến lược xoay trục sang châu Á.

Nhà ngoại giao kỳ cựu này hiện đã được Tổng thống đắc cử Joe Biden "chọn mặt gửi vàng" trở thành Điều phối viên cho các vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương - một chức danh mới được tạo ra trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Ông Campbell được cho sẽ dẫn đầu nỗ lực định hình chính sách của Mỹ tại châu Á.

Ông Campbell là người có quan điểm ủng hộ việc Mỹ đưa quân trải khắp Đông Nam Á và Ấn Độ Dương, khác với chiến lược hiện nay khi Washington nghiêng hẳn việc triển khai quân ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Guam.

Ông Campbell từng nắm giữ vị trí phụ trách chính sách Nhật Bản và Trung Quốc từ năm 2009-2013 ở Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông được xem là "kiến trúc sư" của chính quyền Obama trong chiến lược xoay trục sang châu Á. Đây là sự thay đổi trọng tâm ngoại giao vốn lần đầu tiên được nêu rõ trong bài viết năm 2011 trên tạp chí Foreign Policy có tiêu đề "Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ" của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. "Tương lai chính trị sẽ được định đoạt ở châu Á, không phải ở Afghanistan hay Iraq và Mỹ sẽ phải ở trung tâm hành động", bà Clinton viết.

Quan điểm với Ấn Độ - Thái Bình Dương và Trung Quốc

Trong bài viết gần nhất trên Foreign Policy với học giả viện Brookings Rush Doshi, ông Campbell đã cập nhật lại quan điểm của mình.

Bài viết với tựa đề "Làm thế nào Mỹ có thể củng cố trật tự châu Á - Chiến lược khôi phục sự cân bằng và hợp pháp" đã vạch ra nhiều gợi ý về chính sách cho chính quyền Biden.

Theo ông Campbell và Doshi, châu Á đã và đang bị biến động bởi mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai ông đánh giá Trung Quốc đang có hành vi quyết liệt ở khu vực nhằm tìm cách định hình lại môi trường xung quanh họ thông qua hàng loạt động thái như bồi đắp đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông, tiến ra biển Hoa Đông, xung đột với Ấn Độ, căng thẳng với Đài Loan, cùng các vấn đề ở Hong Kong và Tân Cương.

"Cách hành xử này, cộng với việc Trung Quốc muốn sử dụng chiến lược cưỡng ép kinh tế mà gần đây nhất nhằm vào Australia, có nghĩa rằng rất nhiều quy tắc trật tự ở khu vực đang gặp rủi ro", hai tác giả nhận định.

Tuy nhiên, ông Campbell và Doshi cũng chỉ trích chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vì đã xem nhẹ các liên minh đang tồn tại, ví dụ buộc Nhật Bản và Hàn Quốc phải đàm phán lại chi phí bảo vệ và dọa rút quân khỏi 2 nước đồng minh quan trọng nếu các điều kiện không được thỏa mãn.

Hai tác giả so sánh Ấn Độ - Thái Bình Dương hiện giống "châu Âu trước thời thế chiến - mất cân bằng, trật tự rạn nứt và không có liên minh rõ ràng để giải quyết vấn đề". Hai ông thúc giục chính quyền Biden từng bước xử lý các vấn đề này.

Trong vấn đề an ninh, họ gợi ý quân đội Mỹ nên từ bỏ cách tiếp cận tập trung duy nhất vào tính ưu việt và các nền tảng đắt tiền như tàu sân bay. Thay vào đó, Washington nên nhằm tới hướng phát triển chi phí thấp và bất đối xứng như phát triển tên lửa hành trình và đạn đạo thông thường tầm xa, máy bay tấn công không người hoạt động trên tàu sân bay và tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường.

"Những chiến lược như vậy sẽ làm phức tạp tính toán của Trung Quốc và buộc Bắc Kinh phải đánh giá lại liệu những hành vi khiêu khích rủi ro họ tính thực hiện có thành công hay không", bài viết nhận định.

Hai tác giả cũng kêu gọi Mỹ nên trải lực lượng khắp Đông Nam Á và Ấn Độ Dương để giảm thiểu sự phụ thuộc vào số lượng ít các cơ sở dễ bị tổn thương ở Đông Á.

Hai chuyên gia cũng đề xuất việc thiết lập Hạm đội 1 tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương và có thể đặt căn cứ ở Singapore.

Ông Campbell và Doshi cũng kêu gọi rằng chiến lược của chính quyền Biden không nên loại bỏ hoàn toàn Trung Quốc khỏi quá trình đưa ra quyết định quốc tế vì "các quốc gia ở khu vực không muốn phải chọn giữa 2 cường quốc".  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm