1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhận diện chính sách của Mỹ đối với châu Á (Kỳ 2)

Việt Nam cần hiểu rõ những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ và tận dụng chúng để thúc đẩy mạnh mẽ và sâu sắc hơn quan hệ hợp tác Việt – Mỹ.

Khi ông Trump "vung gậy"

Hiện nay, rất nhiều học giả và nhà bình luận quốc tế tỏ ý nghi ngờ về tính ổn định trong chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Những nhận định này dựa trên đánh giá cho rằng ông Trump xuất phát từ giới kinh doanh nên không có kinh nghiệm chính trị.

Khi nhận xét về chính sách của Trump đối với Trung Đông, cựu Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng chính sách của chính quyền Trump là “rất khó hiểu và đáng lo ngại”.

Tuy nhiên nếu nhìn vào những tuyên bố và hành động của chính quyền mới, một số nhận định lại cho rằng Trump lại là một bậc thầy về “Binh pháp Tôn Tử”. Là nhà kinh doanh, ông Trump có lẽ là người hiểu nhất trong việc áp dụng “Binh pháp Tôn Tử” trong hoạt động kinh doanh trước đây của mình. Điều này được thể hiện ít nhiều trong cuốn sách “Nghệ thuật đàm phán” mà chính ông là tác giả.

Ngoài ra, một trong những cố vấn thân cận của Trump là Stephen Bannon cũng là người khá am hiểu về nghệ thuật chiến tranh của người Trung Quốc. Nhờ vậy mà Bannon đã có những tác động không nhỏ tới các quyết định về đối ngoại của Donald Trump. Việc ông Trump lên kế hoạch dội bom vào Syria hay thực hư việc tàu sân bay Carl Vinson đang áp sát bán đảo Triều Tiên đã cho thấy điều này.

Nhận diện chính sách của Mỹ đối với châu Á (Kỳ 2) - 1

Cố vấn Stephen Bannon của Tổng thống Trump. (Nguồn: CBS)

Về chiến lược, chính quyền Trump vẫn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của mình. Nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Mỹ là tìm cách giảm bớt thâm hụt thương mại với Trung Quốc bằng cách đưa Bắc Kinh quay lại bàn đám phán về các thỏa thuận thương mại có lợi cho Mỹ.

Về mặt an ninh - quân sự, Mỹ cũng sẽ đưa ra những chính sách mới để bảo vệ các lợi ích của Mỹ tại khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động quân sự hóa Biển Đông.

Sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung Quốc sẽ có tác động rất lớn tới môi trường an ninh của khu vực cũng như sự lựa chọn về chính sách đối ngoại của các nước ASEAN.

Nội các của Donald Trump hiện nay quy tụ rất nhiều nhà kinh doanh và những nhà quân sự lâu năm, am hiểu thời thế. Đây đều là những người có tư tưởng bảo thủ. Do đó, chính sách đối ngoại của chính quyền mới sẽ bị chi phối rất lớn bởi tính thực dụng.

Tổng thống Trump cũng từng tuyên bố rằng: “Vị Tổng thống kế tiếp phải hiểu rằng công việc của Mỹ là kinh doanh. Nước Mỹ cần một vị Tổng thống biết cách hoàn thành công việc, người có thể giữ cho nước Mỹ vững mạnh, an toàn và tự do”.

Chính vì nắm bắt được tư tưởng này của ông Donald Trump, chỉ 10 ngày sau bầu cử Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có mặt tại New York để trao đổi với ông Trump về một kế hoạch 5 điểm nhằm thực hiện “Sáng kiến về tăng trưởng và thất nghiệp Mỹ - Nhật”.

Sáng kiến này có mục tiêu tạo ra hơn 700.000 việc làm mới tại Mỹ và tăng cường đầu tư của Nhật Bản vào Mỹ. Sáng kiến này đương nhiên rất được Donald Trump ủng hộ.

Tương tự, trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 4/2017 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã đề xuất “kế hoạch 100 ngày” với Tổng thống Donald Trump cho các cuộc đàm phán thương mại để thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ và giảm thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc.

Việc Trump mới chỉ "vung gậy” nhưng lại khiến nhiều quốc gia phải chìa ngay “cà rốt” cũng là một việc rất hiếm đối với quốc gia như Mỹ.

Tăng cường quan hệ Mỹ - Việt

Trong thời gian qua, quan hệ Việt - Mỹ đã có nhiều tiến triển tốt đẹp đáp ứng lợi ích cho cả hai bên. Ngay sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc điện đàm với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tại cuộc điện đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng ông Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ và khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Mỹ. Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới.

Trong chuyến công du tới châu Á vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng đã khẳng định Tổng thống Mỹ sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Philippines cũng như Hội Nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Việt Nam. Điều này thể hiện sự quan tâm của Mỹ đối với Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

Trong chuyến thăm Mỹ ngày 20/4/2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng trực tiếp trao thư và chuyển lời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mời Tổng thống Donald Trump tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 và thăm chính thức Việt Nam.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tellerson cũng đã chuyển lời cảm ơn của Tổng thống Donald Trump và một lần nữa khẳng định Tổng thống Mỹ sẽ thăm và tham dự Hội nghị APEC tại Hà Nội. Điều này cho thấy những thiện chí của Mỹ trong nỗ lực tăng cường quan hệ Việt Nam và Mỹ.

Nhận diện chính sách của Mỹ đối với châu Á (Kỳ 2) - 2

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam - Mỹ, rõ ràng cần phải có những nỗ lực chính trị nhiều hơn từ hai phía, đồng thời phải có kế hoạch và lộ trình cụ thể nhằm tăng cường quan hệ song phương.

Hiện nay, Việt Nam là một trong số các quốc gia ASEAN có thặng dư thương mại với Mỹ. Trong năm 2016, Mỹ thâm hụt khoảng 29 tỷ USD thương mại với Việt Nam, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam đạt khoảng 38,1 tỷ USD trong khi xuất khẩu sang Việt Nam đạt khoảng 8,7 tỷ USD. Việt Nam cũng bị Mỹ liệt vào danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ bị Mỹ coi là có thặng dư thương mại cao và cần phải có biện pháp “đối phó”.

Việc Mỹ rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đòi hỏi Việt Nam cần phải có cách tiếp cận mới trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.

Tháng 7/2000, hai nước đã ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Mỹ (BTA) và có hiệu lực vào tháng 12/2001. Tháng 6/2007, hai nước tiếp tục ký Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư (TIFA). Đây được coi là kênh hợp tác song phương có hiệu quả giữa hai nước.

Tới tháng 5/2008, Việt Nam nộp đề nghị được hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập chung (GSP) lên Bộ Thương mại Mỹ nhưng cho đến nay vẫn chưa được hưởng quy chế này. Như vậy, trong thời gian tới, Việt Nam nên chủ động đề xuất đàm phán với Mỹ về vấn đề này.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đề xuất đàm phán về Hiệp định đầu tư song phương (BIT) và Hiệp định ưu đãi thương mại (PTA). Đây là cơ sở để hai bên thảo luận về một Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) giữa hai nước.

Hiện nay Mỹ đã ký tổng cộng khoảng 20 FTA với các quốc gia trên thế giới. Trong số này có nhiều quốc gia vốn là đồng minh hoặc có quan hệ mật thiết với Mỹ như Australia, Canada, Hàn Quốc, Israel và Singapore. Trong số các nước ASEAN hiện nay, chỉ có Singapore đã ký FTA với Mỹ.

Dưới thời của Tổng thống Donald Trump, có thể thấy lợi ích kinh tế đan xen cùng các lợi ích an ninh, chính trị. Mỹ chắc chắn sẽ sử dụng những lợi thế của mình để có được những thỏa thuận có lợi cho nước Mỹ.

Chính vì vậy, trong quan hệ với Mỹ dưới thời Donald Trump, cần phải xác định rõ câu hỏi Mỹ cần gì từ phía các quốc gia Đông Nam Á và ngược lại. Trả lời đúng được câu hỏi này sẽ đặt lợi ích chiến lược của hai bên vào vị thế cùng có lợi, từ đó sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác trong tương lai.

Cả Việt Nam và Mỹ đều có lợi ích trong việc tăng cường quan hệ về kinh tế và an ninh song phương, đóng góp vào sự ổn định của cả khu vực. Việt Nam cần phải xác định rõ đâu là lợi ích chiến lược trong việc tăng cường quan hệ với Mỹ. Tình hình mới hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải có sự nhận diện đúng tình hình khu vực, kịp thời đưa ra những biện pháp đối phó, biết tranh thủ thời cơ để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình trong bối cảnh mới.

Theo (Viện Nghiên cứu châu Mỹ)

Thế giới và Việt Nam