1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nguy cơ đối đầu Mỹ - Iran ở eo biển Hormuz

Eo biển Hormuz nối Vịnh Oman và Vịnh Ba Tư (Persian) đang trở thành điểm nóng mới nhất trong quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Iran.

Ngày 4-5, Mỹ tuyên bố đưa tàu chiến hộ tống các tàu thuyền thương mại nước ngoài đi qua eo biển Hormuz, tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới, với 40% lượng dầu mỏ toàn cầu được chuyên chở qua đây. Động thái này được cho là đáp trả việc Iran nổ súng cảnh cáo gần một tàu chở hàng của Mỹ treo cờ đảo quốc Marshall và bắt giữ con tàu này hồi tuần trước.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Lục quân Steve Warren cho biết, từ ngày 4-5, các tàu chiến của Hải quân Mỹ, trong đó có khu trục hạm USS Farragut trang bị tên lửa có điều khiển, bắt đầu hộ tống tàu thương mại đầu tiên mang cờ Anh đi qua eo biển Hormuz. Đây cũng là lần đầu tiên, tàu chiến Mỹ hộ tống các tàu thuyền thương mại nước ngoài đi qua eo biển Hormuz, vốn được xem là con bài quan trọng của Iran khi nước này kiểm soát toàn bộ đường ranh giới phía bắc của tuyến hàng hải.

Động thái của Mỹ được đưa ra sau vụ Hải quân Iran nổ súng và bắt giữ tàu hàng Maersk Tigris của Mỹ mang cờ đảo quốc Marshall thuộc Công ty Vận tải biển Maersk Line (Đan Mạch) hôm 28-4, với cáo buộc đã xâm phạm lãnh hải của Iran. Ngay sau khi tàu Maersk Tigris bị bắt giữ, Hải quân Mỹ lập tức cử tàu chiến và máy bay trinh sát tới khu vực để kiểm soát tình hình. Trong mấy ngày qua, tàu chiến Mỹ cũng đã hộ tống các tàu thuyền thương mại treo cờ Mỹ đi qua eo biển Hormuz để đối phó với hành động ngăn chặn tiềm tàng từ phía Iran.

Tàu chiến Mỹ hộ tống tàu thương mại mang cờ Anh đi qua eo biển Hormuz
Tàu chiến Mỹ hộ tống tàu thương mại mang cờ Anh đi qua eo biển Hormuz
 
Trung bình, số lượng tàu các nước đi qua eo biển Hormuz mỗi ngày khoảng 77 chiếc. Theo quy định quốc tế, một phần eo biển Hormuz nằm trong vùng biển của Iran nhưng các phương tiện được phép đi qua mà không bị can thiệp, miễn là họ không vi phạm quy định như cấm mang vũ khí hoặc thu thập tình báo.
 
Nhưng gần đây, ngoài tàu Maersk Tigris bị Iran bắt giữ thì tàu hàng Maersk Kensington treo cờ Mỹ cũng bị 4 tàu tuần tra Iran bao vây ở eo biển Hormuz hôm 25-4. Những hành động của Iran không khỏi khiến giới chức Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực giật mình.
 
Đại tá Warren cho biết, hoạt động hộ tống của tàu Hải quân Mỹ tại vùng Vịnh được tiến hành trên cơ sở các cuộc đàm phán giữa Wasington và London. Người phát ngôn Lầu Năm Góc nhấn mạnh, eo biển Hormuz là một trong những tuyến vận tải thương mại quan trọng nhất của thế giới. Bằng các hoạt động hộ tống, các chiến hạm của Mỹ sẽ có mặt tại vùng biển có tầm quan trọng chiến lược này để giữ liên lạc với các tàu thương mại.
 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke hôm 4-5 tuyên bố: “Một trong số các quan ngại chính của Mỹ là bảo đảm các đường biển trong khu vực được thông thoáng và an toàn. Mọi người đều biết chúng tôi đã triển khai một tàu sân bay và nhiều tàu chiến đến biển Arập. Các tàu chiến này sẽ hoạt động tại đây trong sứ mệnh bảo đảm tự do hàng hải mà chúng tôi vẫn cam kết với các đối tác khu vực cũng như duy trì an ninh trên biển”.

Trong khi đó, Iran tiếp tục khẳng định hải quân nước này đủ sức bảo đảm an ninh cho tuyến hàng hải quan trọng nói trên và không cần tàu chiến Mỹ thực hiện sứ mệnh hộ tống an toàn cho các tàu thuyền thương mại đi qua. Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif cho biết, nước này tôn trọng tự do hàng hải và sự việc bắt giữ tàu Maersk Tigris chỉ đơn thuần là vấn đề pháp lý chứ không liên quan đến an ninh hay chính trị.

Hoạt động hộ tống tàu thương mại của Hải quân Mỹ được bắt đầu trong lúc tình hình chiến sự giữa các phe phái ở Yemen vẫn đang diễn ra căng thẳng. Trong cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này, Mỹ và các đồng minh Arập xác định Iran đứng phía sau nhóm vũ trang Houthi, lực lượng đã đánh chiếm thủ đô Sanaa từ tháng 9-2014. Vì thế giới quan sát quốc tế cho rằng, quyết định hộ tống tàu thuyền thương mại của Hải quân Mỹ đi qua khu vực được xem là yết hầu của Iran không chỉ đơn thuần là phản ứng sau sự việc tàu Maersk Tigris bị bắt giữ mà còn là một bước leo thang mới trong xung đột khu vực.
 
Quyết định hộ tống tàu thương mại không chỉ giúp Mỹ triển khai thêm nhiều tàu chiến đến khu vực nhằm giảm ảnh hưởng của Iran mà còn chặn đứng con đường tiếp tế trên biển quan trọng cho phiến quân Houthi tại Yemen.

Tàu chiến Mỹ và các nước đồng minh cũng như Iran đang hiện diện dày đặc trên biển Arập. Hồi cuối tuần trước, đáp trả việc triển khai tàu chiến của Mỹ, Iran đã điều hai 2 tàu khu trục đến vịnh Aden ngoài khơi Yemen với tuyên bố, sự hiện diện của hải quân nước này tại vịnh Aden phù hợp với các quy định quốc tế nhằm bảo đảm sự an toàn cho các tàu thương mại trước mối đe dọa từ cướp biển.

Trước diễn biến căng thẳng trên, các nhà quan sát cảnh báo rằng, bất cứ một vụ bắt giữ tàu hàng mới hay va chạm nhỏ nào cũng có thể làm bùng phát xung đột nguy hiểm. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ cho biết, quan điểm của chính quyền Tổng thống Barack Obama là không muốn động thái trên bị nhìn nhận theo khía cạnh khiêu khích, khi mà cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran vẫn chưa kết thúc trong khi Quốc hội Mỹ đang gây sức ép cản trở thỏa thuận này.

Theo Ngọc Hà
Quân đội Nhân dân