Yemen: “Chiến trường mới” giữa Mỹ và Iran
Khủng hoảng Yemen đang khoét sâu bất đồng trong quan hệ Mỹ - Iran, vốn có nhiều cải thiện gần đây qua các cuộc đàm phán hạt nhân.
Ngày 20/4, Hải quân Mỹ cho biết đã triển khai tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu hộ tống USS Normandy từ vùng Vịnh đến biển Ả Rập nhằm chặn đứng bất cứ tàu Iran nào chở vũ khí cho nhóm phiến quân Hồi giáo Houthi ở Yemen, đồng thời “đảm bảo các tuyến đường thủy then chốt trong khu vực tiếp tục được lưu thông an toàn”.
Thời điểm nhạy cảm
Việc Mỹ mở rộng hoạt động hải quân ở Trung Đông vào thời điểm này được giới phân tích đánh giá là khá nhạy cảm, đặc biệt khi Iran và các cường quốc trong nhóm P5+1 đang tiến gần đến một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng. Trên thực tế, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran luôn có nhiều sóng gió và thù địch, nhưng việc các bên đều tỏ rõ thành ý trong các cuộc đàm phán hạt nhân gần đây khiến dư luận đặt nhiều kỳ vọng vào mối quan hệ hai nước sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết tại Yemen đang tạo ra một mặt trận đối đầu mới giữa Washington và Tehran.
Rõ ràng, việc phiến quân Houthi giành quyền kiểm soát Yemen khiến Mỹ và các đồng minh khu vực, đặc biệt là Saudi Arabia, cực kỳ khó chịu. Yemen, tuy là quốc gia nghèo khó nhất ở Trung Đông, nhưng có vị trí địa chính trị và quân sự quan trọng. Mỹ muốn đảm bảo rằng họ có thể kiểm soát eo biển al-Mandeb – một điểm nút chiến lược đối với các lô hàng thương mại và đường di chuyển quân sự quốc tế. Nhưng trên hết, ngăn chặn sự ảnh hưởng của Iran và tạo được vị thế vững chắc tại Yemen mới là mối quan tâm hàng đầu của Washington, bất chấp việc “đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran là một di sản quan trọng trong chính sách ngoại giao của ông Obama”, theo chuyên gia Fawaz Gerges tại Đại học Kinh tế London.
Quan hệ thực dụng Iran - Houthi
Trong khi đó, bản thân chính quyền Iran cũng rất nghiêm túc trong việc tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với nhóm P5+1 nhằm chấm dứt tình trạng bị cô lập và tháo gỡ các lệnh trừng phạt kinh tế đang đè nặng. Tuy nhiên, không vì thế mà Tehran lơ là trong việc tăng cường tầm ảnh hưởng trên khắp khu vực Trung Đông, trong đó có Yemen.
Dù vậy, phiến quân Houthi về bản chất không phải thân Iran, không nổi dậy vì “ủy nhiệm của Iran”. Đây là một lực lượng chính trị độc lập nổi lên từ sự đàn áp của chính quyền Tổng thống Mansour Hadi thân Mỹ, Saudi Arabia. Trong quá khứ, năm 2009, lực lượng Houthi chưa nhận được sự giúp đỡ của Iran, nhưng Saudi Arabia vẫn tiến hành không kích trong nhiều tuần. Hiện tại, Houthi nhận được sự hậu thuẫn của Iran song đây không phải là lực lượng duy nhất trong khu vực được nước ngoài hỗ trợ.
Sở dĩ Houthi lật đổ ông Hadi là do chính ông này phản bội lại thỏa thuận đã ký với Houthi và các phe phái chính trị khác ở Yemen, thực hiện chính sách điều hành đất nước hà khắc dưới sự ủng hộ của Riyadh và Washington. Vì vậy, Houthi “ngả” sang Iran vì thực dụng, muốn tìm kiếm đối trọng chứ không chỉ đơn thuần là cùng theo dòng Hồi giáo Shiite.
Đi tìm giải pháp chính trị
Trong bối cảnh đó, giới phân tích nhận định, dường như mâu thuẫn giáo phái Sunni-Shiite thực chất chỉ là luận điệu Saudi Arabia nêu lên nhằm tập hợp lực lượng. Từ trước đến nay, Saudi Arabia không muốn có bất cứ cạnh tranh nào trong khu vực, trong khi liên tục đấu tranh xây dựng chính phủ dân chủ trao quyền cho người dân. Đặc biệt, chính quyền Riyadh luôn quyết liệt ngăn chặn sự trỗi dậy của những thế lực được ủng hộ rộng rãi và đang tìm cách tự quyết như Houthi.
Vì vậy, quyết định của Mỹ đứng sau các cuộc không kích của liên quân Arab có thể được coi là một sai lầm. Mặc dù nhóm Houthi tuyên bố chống Mỹ, nhưng trên thực tế họ chưa nhằm vào bất cứ lợi ích nào của Mỹ, cũng như không can thiệp vào chiến dịch của Mỹ chống lại chi nhánh al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP). Bất chấp thực tế đó, Mỹ đã chấp nhận phương án tấn công cũng như đặt tham vọng kiểm soát Yemen của Saudi Arabia lên trên những ưu tiên của mình. Nói cách khác, Washington đã phó mặc Yemen cho những âm mưu của Riyadh.
Trên mạng CNN, cây bút Ali Alahmet cho rằng, những lợi ích của Saudi Arabia ở Yemen không thể thay thế lợi ích của Mỹ, và chính quyền Tổng thống Obama nên tìm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột này. Đây là điều cần thiết, không chỉ vì cuộc tấn công do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen chưa mang lại kết quả tích cực, mà nó còn đe dọa tới quan hệ Mỹ - Iran vốn đã không mấy êm đẹp. Những gì đang xảy ra ở Trung Đông cho thấy Iran đang nắm trong tay những con bài rất quan trọng và để giải quyết những cuộc khủng hoảng trong khu vực, Mỹ không thể phớt lờ tiếng nói từ Tehran.