Tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" của 53 thủy thủ tàu ngầm Indonesia
(Dân trí) - Với nguồn dưỡng khí sắp cạn kiệt, các chuyên gia lo ngại về số phận của thủy thủ đoàn trên tàu ngầm Indonesia mất tích và những rủi ro từ thiết bị quân sự cũ của nước này.
Khi đang tham gia cuộc tập trận huấn luyện phóng ngư lôi vào ngày 21/4, tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia chở theo 53 người đã bị mất liên lạc ở vị trí cách đảo du lịch Bali khoảng 95 km về phía bắc.
Tư lệnh hải quân Indonesia Yudo Margono ngày 22/4 cho biết lượng ôxy trên tàu chỉ đủ để duy trì đến khoảng 3 giờ sáng ngày 22/4, khi tàu ngầm vẫn đang trong tình trạng "mất điện".
"Lượng ôxy chỉ đủ trong 72 giờ. Hy vọng có thể tìm thấy tàu trước thời điểm này, khi vẫn còn lượng ôxy dự trữ", ông Margono nói tại Bali trong cuộc họp báo có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto và Tư lệnh Lực lượng vũ trang Hadi Tjahjanto.
Theo ông Margono, trước khi mất tích, tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel đã nhận được thư từ hải quân Indonesia, xác nhận có khả năng hoạt động và sẵn sàng chiến đấu.
Một nguồn tin an ninh giấu tên nói với This Week in Asia rằng, tàu ngầm Nanggala thường có sức chứa thủy thủ đoàn là 34 người nhưng "một số người bổ sung đã được đưa lên tàu" trong cuộc tập trận.
Nguồn ôxy còn lại
Frank Owen, thư ký của Viện tàu ngầm Australia, cho biết các tàu ngầm thường có đủ nguồn cung cấp ôxy khẩn cấp để tồn tại trong 7 ngày mà không cần hỗ trợ từ bên ngoài.
Các nguồn tạo ôxy trên tàu ngầm bao gồm nến hóa học có khả năng tạo ra ôxy khi đốt cháy, cũng như các thiết bị lọc CO2 khi không khí bị hút qua chúng.
"Vấn đề là có tới 53 người trên tàu trong khi sức chứa thủy thủ đoàn thông thường là 34 người. Điều đó có nghĩa là phát sinh thêm 55% số người so với hệ thống khẩn cấp được thiết kế để hỗ trợ trên tàu", ông Owen cho biết.
Theo Collin Koh, một thành viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng ở Singapore, mức độ thiệt hại của tàu ngầm và tình trạng của hệ thống lọc CO2 là những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp ôxy cho thủy thủ đoàn.
"Nếu những thiết bị lọc đó bị hỏng, nó sẽ làm "bẩn" toàn bộ bên trong tàu và dẫn đến các vấn đề", SCMP dẫn lời ông Koh nói, đề cập đến thiết bị hấp thụ CO2.
"Cũng cần lưu ý rằng không giống tàu ngầm hạt nhân - có thể tạo ra nguồn ôxy vô hạn cho thủy thủ đoàn - tàu ngầm chạy bằng điện-diesel như Nanggala có nguồn cung cấp ôxy hữu hạn, chỉ có thể phụ thuộc vào các thùng dự trữ trên tàu cũng như khả năng nổi lên để "hít thở" không khí sạch giúp khử khuẩn bên trong và sạc lại pin", chuyên gia Koh cho biết thêm.
Con tàu 1.300 tấn chỉ có thể chịu được áp suất ở độ sâu 250-500 mét, tuy nhiên các quan chức quân đội Indonesia ngày 21/4 cho biết tàu được cho là bị chìm ở độ sâu 600-700 mét. Điều này khiến các chuyên gia lo ngại về số phận của 53 thành viên thủy thủ đoàn.
"Nếu con tàu chìm xuống đáy biển, nó vượt xa so với độ sâu hoặc áp suất mà tàu chịu đựng được", Zachary Abuza, giáo sư nghiên cứu về Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Quốc gia có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho biết, nói thêm rằng số phận các thủy thủ rất mong manh.
Antoine Beaussant, phó đô đốc hải quân Pháp, cũng cho biết tàu KRI Nanggala 402 không được chế tạo để chịu được độ sâu như vậy.
"Nếu tàu rơi xuống độ cao 700 mét, rất có thể nó sẽ bị vỡ", ông Beaussant nói với AFP.
Ngay cả những kịch bản lạc quan hơn cũng đặt ra nhiều thách thức.
Chuyên gia Owen thuộc Viện tàu ngầm Australia cho biết, nếu tàu KRI Nanggala 402 hoạt động ở độ sâu bình thường nhưng pin không hoạt động hoặc động cơ đẩy của tàu bị hỏng, "nó có thể không thể nổi lên được".
Người phát ngôn hải quân Indonesia Julius Widjojono nói với CNN rằng họ không có thiết bị để nâng tàu ngầm lên khỏi mặt nước. Do vậy, Indonesia đã gọi cho Văn phòng liên lạc cứu hộ và thoát hiểm tàu ngầm quốc tế để nhờ hỗ trợ.
Singapore và Malaysia đã điều các tàu cứu hộ để giải cứu tàu ngầm Indonesia và dự kiến sẽ đến khu vực tìm kiếm vào ngày 24/4. Quân đội Indonesia cho biết Australia, Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đề nghị hỗ trợ.
Quân đội Indonesia đã triển khai 5 tàu chiến, một máy bay trực thăng và 400 nhân viên để tìm kiếm tàu ngầm mất tích. Hai tàu hải quân có khả năng dò tìm dưới nước cũng được triển khai để hỗ trợ tìm kiếm.
Theo Reuters, một cuộc tìm kiếm trên không đã phát hiện một vết dầu loang gần vị trí tàu ngầm lặn xuống. Tư lệnh Hải quân Margono cho biết các nhà chức trách cũng đã tìm thấy một vật thể có "từ tính cao" trôi nổi ở độ sâu 50-100 mét.
Thiết bị lỗi thời
KRI Nanggala 402, được sản xuất năm 1977 và đi vào hoạt động năm 1981, là một tàu lớp Cakra cổ điển do Tây Đức đóng trong Chiến tranh Lạnh. Nó đã được hơn 10 lực lượng hải quân sử dụng trong 5 thập niên qua, bao gồm cả hải quân Argentina, Hy Lạp, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà phân tích nhận định tuổi đời của tàu ngầm Nanggala đã cho thấy sự nguy hiểm của khí tài quân sự cũ của Indonesia.
Theo chuyên gia Koh, tàu ngầm bị mất tích "một phần không nhỏ là do khí tài quân sự cũ kỹ, mặc dù tai nạn tàu ngầm cũng có thể do yếu tố con người - như lỗi vận hành tàu, hoặc thậm chí do quá trình bảo trì mắc sai sót".
Chuyên gia Abuza cho biết tàu ngầm mất tích được nâng cấp lần cuối vào năm 2012. Chuyên gia Mỹ nhận định, các tàu ngầm thường có "tuổi thọ" ngắn hơn khi hoạt động trong các vùng biển nhiệt đới do nước ở khu vực này ấm hơn, trong khi đó Indonesia lại không có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo trì các tàu của nước này.
Indonesia có một hạm đội gồm 5 tàu ngầm, trong đó có 3 chiếc đóng mới từ Hàn Quốc. Chiếc mới nhất, KRI Alugoro, được lắp ráp trong nước với sự hỗ trợ của Hàn Quốc.
"Tổng cộng có 5 tàu ngầm - với các tàu lớp Cakra vẫn đang hoạt động và các thủy thủ đoàn trên những tàu này có lẽ là những người nhiều kinh nghiệm nhất - trong khi 3 tàu lớp Nagapasa vẫn đang trong các giai đoạn hoạt động khác nhau", ông Koh nói.