1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người trẻ Trung Quốc không mặn mà với chính sách 3 con

Thanh Thành

(Dân trí) - Để ứng phó với sự già hóa dân số và thúc đẩy tỷ lệ sinh, Trung Quốc đã cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ ba. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính sách này khó làm thay đổi tình hình.

Người trẻ Trung Quốc không mặn mà với chính sách 3 con - 1

Chính phủ Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trong bối cảnh dân số đang già hóa (Ảnh minh họa: Xinhua).

Ngày 31/5, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ ba sau khi chính sách 2 con (được áp dụng từ năm 2015 để thay thế chính sách một con) không thể thúc đẩy tỷ lệ sinh ở nước này trong 5 năm qua.

Theo thống kê dân số vào năm 2020 được công bố hồi tháng trước, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau những năm 1960, chỉ ở mức 1,3 - thấp dưới mức cần thiết để duy trì dân số ổn định.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, chính sách mới này là quá muộn và có thể sẽ không hiệu quả. Bởi theo họ, nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm mạnh không liên quan nhiều đến chính sách hạn chế sinh con của nước này.

Vấn đề cốt lõi là do các yếu tố kinh tế và xã hội. Cũng như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, phụ nữ ngại sinh con khi đời sống được nâng cao, mức thu nhập được cải thiện.

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm mạnh trong vài thập kỷ qua do chính sách một con khắt khe áp dụng từ năm 1979. Theo đó, những người vị phạm bị phạt nặng và gánh chịu áp lực xã hội.

Tuy nhiên, chính sách một con thực ra chỉ là "phần nổi" của vấn đề. Theo giới chuyên gia, khó lạc quan khi cho rằng việc nới lỏng chính sách hạn chế sinh đẻ sẽ giúp tỷ lệ sinh tăng cao cũng như tái cơ cấu dân số của Trung Quốc.

Các nhận định cho rằng việc nới lỏng này dường như quá muộn. Thứ nhất, đối với những cặp vợ chồng không muốn sinh thêm nữa, chính sách 3 con là hoàn toàn vô nghĩa. Thứ hai, thực ra dù cho phép sinh 3 con, đây vẫn là một chính sách nhằm hạn chế sinh đẻ và chính nó cho thấy thông điệp mâu thuẫn của chính phủ quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Câu hỏi đặt ra là chính phủ Trung Quốc có thực sự muốn người dân sinh thêm con hay không? Nếu có thì tại sao không loại bỏ hoàn toàn giới hạn?

Trong khi đó, tại Trung Quốc hiện nay lại rộ lên vấn nạn ngại sinh trong thế hệ thiên niên kỷ (Millennials), hay còn được biết đến với tên gọi thế hệ Y (Gen Y), và cả thế hệ Z trẻ hơn (sinh từ năm 1995 đến năm 2009). Chi phí sinh hoạt đắt đỏ, thiếu nhà trẻ chất lượng hợp túi tiền cùng với áp lực công việc đang khiến nhiều cặp vợ chồng ngại sinh con.

Và hệ quả là, thế hệ Z có xu hướng ủng hộ ý tưởng mới là "sống yên ổn". Nhiều người trẻ áp dụng "chính sách" 3 không: không kết hôn, không vay ngân hàng và không có con. Và vì vậy, đối với họ, chính sách mới của chính phủ hoàn toàn không có nhiều ý nghĩa nhiều.

Có thể thấy rõ thông điệp đằng sau quyết định về chính sách mới này, được công bố sau cuộc họp của Bộ Chính trị do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, là rất quan trọng. Nó rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đang lo khi tỷ lệ sinh giảm, cùng với đó là những thách thức về nhân khẩu học mà nước này phải đối mặt. Về bản chất, đó là một lời kêu gọi dành cho những người trẻ ở Trung Quốc: "Các bạn, hãy sinh thêm con".

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trước khi làm theo lời kêu gọi này, giới trẻ Trung Quốc chắc chắn sẽ chờ xem chính phủ có chính sách hỗ trợ cụ thể như thế nào.