1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người phụ nữ quyền lực chịu sức ép khủng khiếp về chuyển giao quyền lực

Minh Phương

(Dân trí) - Với vai trò xác nhận kết quả bầu cử tổng thống nhằm mở đường cho chuyển giao quyền lực chính thức, Emily Murphy, người phụ trách Cơ quan Quản lý Dịch vụ công Mỹ (GSA), đang chịu sức ép khủng khiếp.

Người phụ nữ quyền lực chịu sức ép khủng khiếp về chuyển giao quyền lực - 1
Emily Murphy, quan chức của Cơ quan Quản lý Dịch vụ công Liên bang Mỹ (GSA) (Ảnh: BI)

Người phụ nữ giữa “bão lửa” chính trị

Emily Murphy, quan chức của Cơ quan Quản lý Dịch vụ công Liên bang Mỹ (GSA), đang phải vật lộn với sức nặng của cuộc bầu cử tổng thống đang đè lên vai. Bà có cảm giác như đang rơi vào một tình huống kiểu gì cũng bất lợi, những người thân cận cho biết.

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên Dân chủ Joe Biden đang đặt bà vào một tình thế mà bà chưa từng nghĩ đến. Với vai trò quan chức phụ trách ký xác nhận kết quả bầu cử để hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực, Murphy bị cuốn vào một cơn "bão lửa" chính trị khi nửa tháng sau bầu cử ông Trump vẫn chưa thừa nhận kết quả.

Hiện tại, bà Murphy đang phải làm theo những hướng dẫn mơ hồ của cơ quan và theo những gì mà bà cho là tiền lệ để chờ ký xác nhận kết quả bầu cử - một bước quan trọng cho phép quá trình chuyển giao quyền lực chính thức bắt đầu. Hiện chưa rõ Murphy đã liên hệ với Nhà Trắng về vấn đề này hay chưa.

"Bà ấy chịu sức ép từ nhiều tầng bậc khác nhau. Đúng là một tình huống khủng khiếp. Bà ấy đang làm những gì mà bà cho là sự trung thực cần thiết của một người cam kết trung thành với hiến pháp và luật pháp", một người bạn và cũng là đồng nghiệp cũ của Murphy chia sẻ.

Sức ép từ nhiều phía

Murphy phải đối mặt với sức ép từ cả phe Dân chủ và Cộng hòa, và thậm chí bị đe dọa đến tính mạng. Phe Dân chủ khá tức giận với Murphy vì việc trì hoãn xác nhận kết quả bầu cử khiến quá trình chuyển giao quyền lực bị trì hoãn. Sau khi truyền thông đồng loạt công bố ông Biden thắng cử, các nghị sĩ Dân chủ liên tục yêu cầu Murphy lý giải tại sao bà vẫn chưa ký xác nhận kết quả bầu cử.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa cũng gây sức ép buộc Murphy phải kiên định chưa vội ký xác nhận kết quả.

Murphy là một nhà kỹ trị có năng lực, bà phụ trách GSA từ năm 2017 và được miêu tả là “người làm chính trị” nhưng không phải “người của ông Trump”. Hiện chưa rõ Murphy sẽ hành động như thế nào trước khi ký xác nhận kết quả bầu cử, song các nguồn thạo tin nói rằng bà đưa ra quyết định dựa vào tình huống từng xảy ra trong kỳ bầu cử năm 2000 khi kết quả bầu cử chỉ rõ ràng sau 1 tháng.

Bản thân Murphy đã lường trước được những rắc rối bà có thể phải đối mặt hậu bầu cử bởi lẽ trước khi bầu cử diễn ra Tổng thống Trump và người của ông liên tục đưa ra nghi vấn gian lận bầu cử và từ chối trả lời trực tiếp câu hỏi liệu ông có thừa nhận nếu thất cử. Do vậy, Murphy đã gọi điện cho những người tiền nhiệm của mình để tham vấn. Trong số đó có David Barram, người phụ trách GSA trong thời gian bầu cử tổng thống năm 2000. Vào năm đó, Barram cuối cùng đã chứng nhận kết quả công nhận ông Bush đắc cử sau phán quyết gây tranh cãi của Tòa án tối cao về việc kiểm lại phiếu ở Florida.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tuần trước, ông Barram nói rằng, cuộc bầu cử năm nay "khác hoàn toàn" những gì xảy ra năm 2000. "Năm đó mọi chuyện hoàn toàn là ở Florida. Ở một bang và vấn đề với 537 phiếu bầu. Mọi người đều biết khi vấn đề Florida được giải quyết ổn thỏa, ai đắc cử sẽ rõ ràng", ông Barram nói.