1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người già Ukraine quyết bám trụ quê nhà giữa chiến sự khốc liệt

Thanh Thành

(Dân trí) - Bất chấp tình hình chiến sự khốc liệt ở các chiến tuyến hiện nay, phần lớn người già Ukraine vẫn chọn ở lại nhà của họ.

Người già Ukraine quyết bám trụ quê nhà giữa chiến sự khốc liệt - 1

Cụ bà Iraida Kurylo, 83 tuổi, bị thương nằm tại nhà và được các nhân viên Hội chữ thập đỏ đến chăm sóc (Ảnh: NYT).

Những người già ngồi thành từng cặp đôi trong các ngôi nhà bị phá hủy một nửa. Họ trú ẩn trong những tầng hầm mốc meo được đánh dấu bằng phấn với dòng chữ "những người dưới lòng đất". Đây là thông điệp gửi tới bất kỳ đội quân nào tình cờ đến đó trong ngày hôm đó.

Người già ở Ukraine thường là những người hiếm hoi còn ở lại dọc chiến tuyến hàng trăm km của đất nước. Một số người đã chờ đợi cả cuộc đời để tận hưởng những năm tháng tuổi xế chiều, chỉ để rồi bị bỏ lại trong sự cô đơn.

Những ngôi nhà do chính tay họ xây dựng giờ đây chỉ là những bức tường đổ nát và những cửa sổ bị thổi bay, với những khung ảnh đóng khung của những người thân yêu đang sống ở xa. Một số đã phải chôn cất con mình và mong muốn duy nhất của họ là ở gần để sau khi qua đời được chôn cất bên cạnh các con.

Nhưng mọi việc không phải lúc nào cũng diễn ra theo ý muốn của họ.

Cụ bà Iraida Kurylo, 83 tuổi, với đôi bàn tay run rẩy khi nhớ lại cảnh người mẹ la hét khi cha bà thiệt mạng trong Thế chiến II cho biết: "Tôi đã sống qua 2 cuộc chiến tranh". Bà vẫn đang nằm trên cáng ở làng Kupiansk-Vuzlovyi, hông bị gãy do ngã. Các nhân viên Hội Chữ thập đỏ đã đến. 

Gần 2 năm sau xung đột bùng nổ, với chiến tranh ngay trước cửa nhà, những người lớn tuổi vẫn kiên quyết ở lại nhà của mình, đưa ra nhiều lý do khác nhau cho quyết định của họ. 

Một số chỉ thích ở nhà, bất chấp nguy hiểm, hơn là phải vật lộn ở một nơi xa lạ giữa những người không quen biết. Những người khác không có đủ khả năng tài chính để rời đi và bắt đầu lại cuộc sống ở một nơi khác. Họ vẫn nhận được tiền lương hưu đều đặn, bất chấp chiến sự khốc liệt. Họ đã nghĩ ra những cách để sinh tồn, chờ đợi và hy vọng mình vẫn sống để chứng kiến chiến tranh kết thúc.

Kết nối mạng dường như là liên kết duy nhất của họ với thế giới bên ngoài. Một ngày tháng 9/2023, tại một phòng khám di động cách vị trí của Nga khoảng 5km, bà Svitlana Tsoy, 65 tuổi, đang khám sức khỏe từ xa với một bác sĩ thực tập tại Đại học Stanford ở California và nói về những khó khăn của chiến tranh.

Bà Tsoy cho biết, trong gần 2 năm qua, sau khi nhà cửa bị phá hủy, bà Tsoy và người mẹ Liudmyla, 89 tuổi, đã sống trong một tầng hầm ở Siversk, vùng phía đông Donetsk, cùng với 20 người khác. Không có nước sinh hoạt và không có nhà vệ sinh. Tuy nhiên, họ vẫn không rời đi. "Thà chịu đựng những bất tiện ở đây còn hơn là giữa những người xa lạ", bà Tsoy nói.

Bà Halyna Bezsmertna, 57 tuổi, cũng có mặt tại phòng khám từ xa này do bị gãy mắt cá chân khi lặn tìm chỗ nấp tránh làn đạn bom. Bà cũng có một lý do khác để ở lại Siversk. Năm 2021, cháu trai bà qua đời và được chôn cất gần đó. "Tôi đã hứa với một người rất thân yêu rằng sẽ không để nó một mình. Tôi sẽ không thể xin lỗi cháu mình nếu không giữ lời", bà Bezsmertna nói.

Nhiều người đã quyết định rời đi cuối cùng nhận ra rằng họ đã từ bỏ không chỉ một ngôi nhà mà còn cả cuộc đời.

Người già Ukraine quyết bám trụ quê nhà giữa chiến sự khốc liệt - 2

Cụ bà Svitlana Tsoy đang khám sức khỏe từ xa (Ảnh: NYT).

Tại Druzhkivka, một thành phố phía đông gần chiến tuyến nhưng do lực lượng Ukraine kiểm soát, bà Liudmyla Tsyban, 69 tuổi và chồng Yurii Tsyban, 70 tuổi, đang trú ẩn trong một nhà thờ vào tháng 9/2023 và nói về ngôi nhà họ để lại ở Makiivka gần đó, nơi nằm trong vòng vây chiến sự.

Ở đó, họ có một ngôi nhà xinh đẹp tại một ngôi làng gần sông và một chiếc thuyền. Và họ cũng có một chiếc ô tô. "Chúng tôi đã tưởng tượng mình sẽ nghỉ hưu và du lịch ở đó cùng các con cháu của mình như thế nào. Nhưng chiếc xe đã bị đạn nổ phá hủy", bà Tsyban nói.

Vào tháng 8, viện dưỡng lão St. Natalia ở Zaporizhzhia đã tiếp nhận khoảng 100 người lớn tuổi, nhiều người trong số họ mắc chứng mất trí nhớ và cần được chăm sóc 24/24 giờ. Các y tá nói rằng khi nghe thấy tiếng nổ, họ thường nói với những bệnh nhân đó rằng, đó chỉ là tiếng sấm hoặc tiếng ô tô nổ lốp để họ không buồn bã.

Tại một viện dưỡng lão khác ở Zaporizhzhia, cụ bà Liudmyla Mizernyi, 87 tuổi và con trai Viktor Mizernyi, 58 tuổi ở chung phòng, thường nói về việc trở về quê hương Huliaipole. Nhưng hiện nay Huliaipole, nằm dọc theo chiến tuyến phía nam giữa lực lượng Ukraine và Nga, là trung tâm giao tranh ác liệt nhất.

Người con trai Viktor bị thương và bị tàn tật vĩnh viễn khi các bức tường hầm đổ sụp do trúng đạn súng cối. Sau đó, họ cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra đi. "Chúng tôi muốn về nhà, nhưng ở đó chẳng có gì, không nước, không điện, không còn gì cả", ông Mizernyi nói.

Bà Anna Yermolenkok, 70 tuổi cho biết bản thân không muốn rời khỏi nhà gần Marinka, Ukraine nhưng đã phải tị nạn khi giao tranh ngày càng đến gần. Kể từ khi Ukraine mở cuộc phản công mùa hè, bà đã sống trong một nơi trú ẩn ở miền trung Ukraine. Hàng xóm đã liên lạc với bà và cho biết nhà của bà vẫn đứng vững. "Họ đang chăm sóc chú chó và nhà cửa giúp tôi. Tôi cầu nguyện rằng chiến tranh sớm kết thúc".

Nhưng đó là những lời tâm sự vào tháng 8/2023. Giờ đây, Marinka gần như bị phá hủy do giao tranh, và trong tháng này, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các lực lượng Nga đã nắm quyền kiểm soát thành phố hoặc những gì còn sót lại.

Không chỉ các cuộc tấn công tên lửa và pháo kích phá hủy hàng loạt nhà cửa ở Ukraine.

Khi đập Kakhovka dọc sông Dnipro bị vỡ vào tháng 6/2023, nước lũ tràn vào các ngôi làng gần đó. Ông Vasyl Zaichenko, 82 tuổi, người vùng Kherson, cảm thấy khó nói về việc ngôi nhà bị cuốn mất do lũ lụt. "Tôi đã sống ở đây 60 năm và tôi sẽ không từ bỏ điều này. Nếu bạn tự tay xây ngôi nhà của mình trong 10 năm, bạn không thể bỏ nó", ông nói.

Tại nơi trú ẩn tạm thời ở Kostyantynivka vào cuối mùa hè, bà Lydia Pirozhkova, 90 tuổi, nói rằng bà đã bị buộc phải rời khỏi thành phố quê hương Bakhmut hai lần trong đời, với lần đầu tiên khi quân Đức tràn vào trong Thế chiến II và lần thứ hai dưới làn sóng pháo kích của Nga.

Theo New York Times