1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Người dân "ngại" vắc xin nội địa, Trung Quốc gặp khó trong chống Covid-19

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định những bê bối liên quan tới vắc xin ở Trung Quốc trước đây dường như đang khiến nhiều người dân e ngại với vắc xin Covid-19 và điều này gây trở ngại cho cuộc chiến chống dịch.

Người dân ngại vắc xin nội địa, Trung Quốc gặp khó trong chống Covid-19 - 1

Trung Quốc đã kích hoạt chương trình tiêm chủng Covid-19 (Ảnh: AFP)

Vào tháng 12/2020, Trung Quốc thông báo họ có kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho 50 triệu người trước ngày 11/2. Tuy đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng nó được xem là không quá sức với một quốc gia được đánh giá đã kiểm soát được dịch bệnh.

Tuy nhiên, thực tế lại không như mong đợi. Đến ngày 22/2, Trung Quốc mới tiêm được 40,5 triệu liều, tương đương 2,89 liều/100 người. Con số này thấp hơn nhiều so với Mỹ (19,33 liều/100 người).

Vấn đề về sản xuất và chính sách "ngoại giao vắc xin" được cho là 2 trong những nguyên nhân dẫn tới việc Trung Quốc không đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, theo Bloomberg, một trong những yếu tố quan trọng khác dường như là tâm lý quan ngại về mức độ an toàn và tác dụng phụ của vắc xin trong công chúng Trung Quốc.

Bloomberg gần đây đưa tin rằng, tỷ lệ nhân viên tại các công ty Trung Quốc mà họ liên hệ quan tâm đến việc tiêm vắc xin dao động từ 1/3 đến chưa đầy một nửa. Để Trung Quốc đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, họ sẽ cần phải khuyến khích nhiều người dân vượt qua nỗi sợ hãi.

Người Trung Quốc không phải lúc nào cũng tỏ ra lo ngại với vắc xin. Các chiến dịch tiêm chủng của chính phủ có từ những năm 1950 đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân ở nông thôn nhằm chống lại các bệnh truyền nhiễm. Trong những năm 1970, đầu tư của Trung Quốc vào chăm sóc sức khỏe nông thôn đã tạo ra những kết quả tích cực: Tỷ lệ mắc bệnh bại liệt giảm 77% trong thập niên đó và bệnh sởi giảm 60%. Tính đến năm 2019, tỷ lệ tiêm chủng cơ bản ở trẻ em của Trung Quốc đã vượt quá 90%, một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới.

Lòng tin bị "xói mòn"

Theo Bloomberg, người dân Trung Quốc có tâm lý e ngại với vắc xin sau nhiều vụ bê bối trong thập niên vừa qua. Năm 2016, Trung Quốc đóng cửa một dây chuyền sản xuất vắc xin trái phép vận hành từ năm 2011 và đã bán ra 2 triệu liều không được bảo quản đúng cách. Một cuộc khảo sát được tiến hành hai tháng sau khi vụ việc xảy ra cho thấy 16% phụ huynh quyết định không tiêm chủng cho con mình vì vụ bê bối này.

Năm 2018, Trung Quốc tiếp tục chấn động vì bê bối vắc xin của công ty Changsheng. Công ty này bị "tố" làm giả dữ liệu về vắc xin phòng bệnh dại và bán các liều vắc xin bạch hầu, uốn ván và ho gà tiêm cho trẻ em mà không có hiệu quả phòng bệnh. Các khoản phạt khổng lồ đã được ban hành và nhiều người bị bắt giam, nhưng tổn hại của vụ việc với vắc xin nội địa Trung Quốc là khó có thể đo đếm. Một cuộc khảo sát sau vụ bê bối cho thấy khoảng 70% người được hỏi không tin tưởng vào việc tiêm chủng và hơn một nửa không hài lòng với phản ứng của chính phủ.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường quảng bá chương trình phát triển vắc xin Covid-19 như một bằng chứng cho thấy ngành dược phẩm của họ đã đạt được các tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới.

Nhưng có ít bằng chứng cho thấy người dân Trung Quốc thực sự tin vào điều này. Mặc dù các nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết các bậc cha mẹ vẫn chọn tiêm chủng cho con cái của họ bằng các loại vắc xin miễn phí do chính phủ khuyến nghị, nhưng phần lớn các bậc cha mẹ đó cho biết họ lo ngại nghiêm trọng về tác dụng phụ (74%), an toàn (64%) và hiệu quả (52%).

Những lo lắng như vậy có thể đã ảnh hưởng tới nỗ lực vận động người dân tiêm chủng của Trung Quốc. Dù một khảo sát năm ngoái cho thấy người Trung Quốc có xu hướng muốn tiêm vắc xin Covid-19 nhiều hơn bất cứ nước nào trên thế giới, nhưng chuyên gia dịch tễ đại học Michigan (Mỹ) Abram Wagner cho rằng kết quả khảo sát cao đôi khi không phản ánh đúng số người muốn tiêm vắc xin.

"Việc sẵn sàng được tiêm chủng khi làm khảo sát khác với việc phải đưa ra quyết định tiêm vắc xin hay không", ông Wagner nhận định.

Một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng tới quan điểm của người Trung Quốc là bê bối vắc xin giả thời gian qua. Chính quyền nước này đã phá một đường dây làm giả 58.000 liều vắc xin Covid-19 trị giá 2,8 triệu USD. Thông tin này được xem là "vật cản" có thể làm sự lo ngại về vắc xin tiếp tục dâng cao trong dư luận Trung Quốc.