1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Người có thể vạch chiến lược đối phó Trung Quốc ở Biển Đông của ông Biden

Đức Hoàng

(Dân trí) - Bà Michele Flournoy, người có thể trở tành ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Joe Biden tương lai, được xem là có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, Bưu điện Hoa nam Buổi sáng nhận định.

Người có thể vạch chiến lược đối phó Trung Quốc ở Biển Đông của ông Biden - 1

Bà Michele Flournoy (Ảnh: Getty)

Trong bối cảnh ông Joe Biden được các hãng tin tính toán và dự đoán là “Tổng thống đắc cử”, kế hoạch nội các của ông Biden cũng được giới quan sát chú ý. Bà Michele Flournoy, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, đang được xem là ứng viên tiềm năng cho ghế bộ trưởng Quốc phòng. Nếu điều này thành hiện thực, bà Flournoy sẽ trở thành “bà chủ” đầu tiên của Lầu Năm Góc trong lịch sử Mỹ.

Ngoài điều trên, giới quan sát cũng nhận thấy bà Flournoy dường như sẽ là nhân vật có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.

Trong một bài viết đăng tải trên tạp chí Foreign Affairs hồi tháng 6, bà Flournoy nhận định rằng khả năng và sự quyết tâm của Washington trong việc chống lại động thái quân sự của Bắc Kinh trong khu vực dường như đang suy giảm. Chính vì vậy, bà cho rằng Mỹ cần phát triển khả năng răn đe vững chắc để ngăn phía Trung Quốc có những “tính toán sai lầm”.

“Ví dụ, nếu quân đội Mỹ có khả năng đánh chìm toàn bộ chiến hạm, tàu ngầm của Trung Quốc trên Biển Đông trong 72 giờ, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc kỹ trước khi có động thái với Đài Loan, hoặc họ sẽ phải cân nhắc xem liệu có đáng hay không việc đưa toàn bộ đội tàu đối diện với mối đe dọa”, bà Flournoy nhận định.

Giới chuyên gia quốc phòng và ngoại giao cho rằng để thực hiện ý tưởng trên, Mỹ sẽ cần khoản chi phí khổng lồ. Tuy nhiên, nếu Mỹ theo đuổi lập trường cứng rắn như vậy, điều đó cho thấy Mỹ dường như sẽ tiếp tục duy trì áp lực quân sự với Trung Quốc.

Trong bài viết, bà Flournoy nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải tiến quân đội Mỹ, đặc biệt là hệ thống không người lái chạy bằng trí tuệ nhân tạo, cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng thủ số, cùng với mạng lưới thông tin liên lạc và chỉ huy linh hoạt.

Bà cho rằng Mỹ đã đầu tư quá nhiều vào “các nền tảng và hệ thống vũ khí kế thừa” trong khi không đầu tư đủ vào những công nghệ mới nhằm giúp xác định ai sẽ có lợi thế trong tương lai.

Bà Flournoy cũng nhấn mạnh một lợi thế đặc biệt của Mỹ với Trung Quốc - mạng lưới đồng minh và đối tác. Bà nhấn mạnh Washington có thể bắt tay cùng với những đối tác nhằm chống lại hành vi cưỡng ép của Trung Quốc. Bà gợi ý Mỹ nên thường xuyên tổ chức tập trận với đồng minh và đối tác, điều thêm những quan chức quân sự cấp cao và lực lượng tới khu vực.

Su Hao, giám đốc trung tâm Hòa bình và Chiến lược tại Đại học Quan hệ quốc tế Trung Quốc, nhận định rằng, so với chủ nghĩa đơn phương của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, ông Biden dường như sẽ có cách tiếp cận tập trung và đa phương nhằm kiềm tỏa Trung Quốc. Mỹ có thể sẽ nâng cao quan hệ quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc, với Bộ tứ Kim cương (Australia, Ấn Độ, Nhật Bản) và với các quốc gia Đông Nam Á.