Ngoại trưởng Philippines bác bỏ Luật Hải cảnh của Trung Quốc
Ngày 23/5, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. khẳng định Luật Hải cảnh Trung Quốc 'không tồn tại' trong phạm vi lãnh hải Philippines và chỉ có hiệu lực trong lãnh hải Trung Quốc.
Đây là phản ứng của Ngoại trưởng Locsin trước tuyên bố mới nhất của cựu Phó Chánh án Tòa án Tối cao đã nghỉ hưu Antonio Carpio rằng Luật Hải cảnh Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh không chỉ của Philippines mà còn đối với các quốc gia tranh chấp khác ở Biển Đông.
Ông Locsin đăng một tweet nói rằng: "Tôi bác bỏ việc nó (Luật Hải cảnh) được nghiên cứu như thể áp dụng cho lãnh hải của chúng tôi. Không phải vậy. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục ra khơi ở vùng biển của mình như thể Luật Hải cảnh không tồn tại; chúng tôi phản đối việc thực thi luật này… Trung Quốc hay Philippines đều có thể viết bất kỳ luật nào nhưng chỉ có giá trị trong lãnh hải của mình mà thôi".
Trong một bài phát biểu cuối tuần qua, cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio tin rằng tính hợp pháp của Luật Hải cảnh Trung Quốc có thể bị thách thức trước tòa án quốc tế.
Luật Hải cảnh được Trung Quốc thông qua vào ngày 22/1 năm nay, cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào các tàu nước ngoài, một động thái có thể làm căng thẳng tình hình ở Biển Đông. Luật này trao quyền cho Hải cảnh Trung Quốc "thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm trái phép trên biển".
Ngay sau khi Trung Quốc thực thi Luật Hải cảnh, Philippines đã phản đối ngoại giao, gọi luật của Trung Quốc là "dùng lời lẽ đe dọa chiến tranh" với mọi quốc gia.
"Ngày 29/1, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ngày 22/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Cảnh sát biển nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc qia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó.
Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không có hành động làm gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông".