1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Chuyên gia: Luật hải cảnh Trung Quốc có thể châm ngòi xung đột ở Biển Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Chuyên gia Nhật Bản Seta Makoto nhận định, luật hải cảnh mới của Trung Quốc có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực, thậm chí dẫn tới xung đột trên Biển Đông.

Chuyên gia: Luật hải cảnh Trung Quốc có thể châm ngòi xung đột ở Biển Đông - 1

Một tàu hải cảnh của Trung Quốc (Ảnh: SCMP).

Trung Quốc ngày 22/1 đã thông qua luật hải cảnh mới, cho phép lực lượng này phá hủy các công trình do nước ngoài xây dựng ở vùng biển hoặc trên các đảo mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền. Ngoài ra, luật còn cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc lên tàu, khám xét hoặc nổ súng vào các tàu nước ngoài hoạt động trong vùng biển mà Bắc Kinh đòi yêu sách chủ quyền.

Trao đổi với Dân Trí, ông Seta Makoto, Phó giáo sư ngành luật quốc tế tại Đại học thành phố Yokohama, Nhật Bản, cho rằng việc nhận định ý đồ thực sự của Trung Quốc khi thông qua luật hải cảnh mới phụ thuộc vào cách diễn giải và áp dụng luật này. Nhưng theo ông, một số điều khoản của luật hải cảnh mới sẽ được sử dụng "như một cái cớ" để Trung Quốc vi phạm một số quy tắc trong luật pháp quốc tế, như quy tắc quyền miễn trừ đối với tàu của chính phủ nước ngoài và cấm sử dụng vũ lực theo Hiến chương Liên Hợp Quốc.

"Việc thông qua luật hải cảnh mới có thể là bước chuẩn bị để Trung Quốc đơn phương tuyên bố cả Biển Đông và biển Hoa Đông thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Trước hết, bằng việc triển khai các tàu của mình, Trung Quốc sẽ tạo ra một tình huống thực tế và sau đó tìm cách để ngụy biện rằng tình huống này phù hợp với luật", ông Seta nhận định.

Chuyên gia về luật quốc tế của Nhật Bản cho rằng luật hải cảnh mới của Trung Quốc đã làm "leo thang căng thẳng trong khu vực". Theo Phó giáo sư Seta, vì nhiều tàu của các nước đang đối mặt với các tàu hải cảnh Trung Quốc tại Biển Đông, nên đây sẽ là mối đe dọa với các nước ven Biển Đông.

Chuyên gia: Luật hải cảnh Trung Quốc có thể châm ngòi xung đột ở Biển Đông - 2

Phó giáo sư Seta Makoto tại Đại học Yokohama, Nhật Bản

"Luật mới cho phép hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài và có thể diễn giải là bao gồm cả tàu của chính phủ nước ngoài. Nếu Trung Quốc áp dụng luật hải cảnh mới theo cách diễn giải như vậy, điều đó có thể dẫn tới chiến tranh. Trong trường hợp lực lượng hải cảnh Trung Quốc nổ súng vào các tàu của lực lượng hải cảnh nước ngoài, tình huống này có thể coi là một cuộc tấn công vũ trang", ông Seta nói thêm.

Theo Phó giáo sư Seta, một trong những lý do khiến Trung Quốc chọn thời điểm này để thông qua luật hải cảnh mới là vì các nước vẫn đang bận đối phó với đại dịch Covid-19, do vậy họ có thể không phản ứng ngay lập tức với các vấn đề quốc tế.

Liên quan tới việc 220 tàu Trung Quốc bị phát hiện neo đậu tại Đá Ba Đầu, ông Seta cho rằng các tàu này có thể bị các quốc gia ven biển bắt giữ nếu chúng là các tàu cá tư nhân. Còn nếu đây là các tàu của chính phủ Trung Quốc, chúng có thể bị xem là vi phạm chủ quyền của quốc gia ven biển.

Vai trò của Mỹ và ASEAN

Theo Phó giáo sư Seta, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng gia tăng các hoạt động cứng rắn trong khu vực, Mỹ là "siêu cường duy nhất" có thể cạnh tranh với Trung Quốc. Do vậy, sự tham gia của Mỹ đóng vai trò "mang tính xây dựng đối với việc duy trì hiện trạng ở Biển Đông và Hoa Đông".

Ông Seta cũng nhận định ASEAN chắc chắn cũng đóng vai trò quan trọng trong vấn đề Biển Đông. Phó giáo sư Nhật Bản cho rằng điều quan trọng là các nước ASEAN cần xây dựng một "lập trường thống nhất" về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là về Trung Quốc.

"Sự đoàn kết của ASEAN rất quan trọng, nhất là trong việc xây dựng COC", ông Seta nhấn mạnh.

Tòa trọng tài quốc tế ở La Hay, Hà Lan năm 2016 đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc tại Biển Đông, song Bắc Kinh cho đến nay vẫn không công nhận phán quyết của tòa. Phó giáo sư Seta cho rằng cần có "cách tiếp cận thống nhất" giữa các quốc gia để thay đổi lập trường của Trung Quốc.

"Hiện không có cơ chế để ép buộc một quốc gia phải thực thi phán quyết của tòa án quốc tế. Do vậy, tất cả những gì mà các quốc gia có thể làm là tuyên bố lập trường của Trung Quốc về việc không công nhận phán quyết của tòa là sai trái và không thể chấp nhận được, đồng thời duy trì cách tiếp cận thống nhất với các quốc gia khác nhằm yêu cầu Trung Quốc thay đổi lập trường về các vùng biển trong khu vực cũng như luật biển quốc tế", ông Seta nói.

Theo ông Seta, Nhật Bản, quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, hiện không chỉ cố gắng duy trì hiện trạng trên biển Hoa Đông mà còn tìm cách củng cố các giá trị chung với các quốc gia khác như Bộ Tứ (gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ), ASEAN và một số nước châu Âu.

Ngày 29/1, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc thông qua luật hải cảnh mới, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982".

Liên quan tới sự xuất hiện của nhiều tàu Trung Quốc tại khu vực Đá Ba Đầu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/3 rằng, hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của cụm Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.