1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngoại trưởng New Zealand kêu gọi Trung Quốc không làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông

(Dân trí) - Trong bài phát biểu tại Đại học Chính sách Công ở Singapore, Ngoại trưởng New Zeland Murray McCully ngày 10/3 đã đề cập tới những vấn đề nóng hiện nay tại Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở vùng biển này thời gian qua.


Ngoại trưởng Murray McCully (Ảnh: bloomberg)

Ngoại trưởng Murray McCully (Ảnh: bloomberg)

Ngoại trưởng Murray McCully cho biết ông hy vọng Trung Quốc sẽ không để tình hình ở Biển Đông leo thang căng thẳng hoặc đẩy lùi những nỗ lực ngoại giao thời gian qua nhằm xoa dịu tình hình vì tình hình ổn định trong khu vực có vai trò quan trọng với tốc độ phát triển kinh tế của cường quốc này. Ông cũng thừa nhận mình là "người thực tế và lạc quan" về cái gọi là sự trỗi dậy của Trung Quốc.

"Một người thực tế sẽ nghĩ rằng sự nổi lên của một nền kinh tế mạnh sẽluôn luôn đi cùng với những khát vọng và tham vọng phù hợp, và một trong số đó không thể tránh được cạnh tranh với lợi ích và các bên trong khu vực hiện nay", Ngoại trưởng Murray McCully nhận định.

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao New Zealand, dù nước này không ủng hộ bất cứ bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng việc giải quyết tranh chấp ra sao có ảnh hưởng tới Wellington. Ông cũng cho rằng vấn đề Biển Đông hiện nay là một thách thức ngoại giao lớn với các nước trong khu vực.

"Tôi cũng là một người lạc quan vì Trung Quốc có những thách thức lớn ở trong nước cần giải quyết. Tăng trưởng kinh tế đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy quá trình phát triển trong nước của họ. Tôi cho rằng kinh tế chỉ có thể tăng trưởng trong môi trường hoà bình và ổn định của khu vực", Ngoại trưởng McCully cho biết thêm.

Về các hoạt động cải tạo đảo và quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua, Ngoại trưởng New Zealand cho rằng những động thái này chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi coi những hành động kiểu đó là những hành động không giúp đỡ của bên thiếu trách nhiệm. Lịch sử đã cho thấy bất cứ vụ va chạm nào ở Biển Đông cũng có thể làm leo thang căng thẳng, kể cả đó không phải là mong muốn của các quốc gia liên quan".

Theo Ngoại trưởng McCully, bất cứ vụ xung đột nào nghiêm trọng cũng sẽ ảnh hưởng tới tất cả các bên trong khu vực. Do vậy, cần phải duy trì ổn định tại châu Á và đặc biệt là tại Biển Đông, một trong những vùng biển có các tuyến giao thương hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.

"Là một trong những quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế lớn nhất thế giới, New Zealand đánh giá Công ước LHQ về Luật Biển có vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, những quy định về tự do hàng hải và hàng không cũng cần phải được tôn trọng. Đây là những yếu tố đóng vai trò quyết định trong các chính sách mà New Zealand theo đuổi", Ngoại trưởng McCully khẳng định.

Ngọc Anh

Theo NZH