1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ngoại trưởng Mỹ Clinton: Cánh cửa đàm phán vẫn mở cho Triều Tiên

(Dân trí) - Tại cuộc họp báo sau Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ở Hà Nội hôm nay, 23/7, trả lời trước đe dọa đáp trả của Triều Tiên đối với cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn cuối tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết cánh cửa đàm phán “vẫn mở cho Triều Tiên”.

 

Ngoại trưởng Mỹ Clinton: Cánh cửa đàm phán vẫn mở cho Triều Tiên - 1


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại cuộc họp báo chiều nay, 23/7, sau khi kết thúc Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)

 

Bên lề Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), trả lời phỏng vấn của các phóng viên, người phát ngôn của phái đoàn Triều Tiên tham dự ARF, ông Ri Tong Il, một lần nữa phủ nhận cáo buộc Triều Tiên chịu trách nhiệm cho vụ đắm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc. Ông cho rằng cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn sắp diễn ra vào cuối tuần này là vi phạm chủ quyền của Triều Tiên, khiến nước này phải quay trở lại những ngày “ngoại giao pháo hạm” (chính sách ngoại giao dựa trên sự đe dọa dùng vũ lực) của thế kỷ 19.

 

Cuộc tập trận sẽ là “sự thể hiện nữa về chính sách thù địch” với Triều Tiên. Và Triều Tiên sẽ có đáp trả đối với đe dọa do Mỹ gây ra về quân sự đối với nước này, người phát ngôn cho biết.

 

Obama mời lãnh đạo ASEAN tới Mỹ
 
Cũng tại cuộc họp báo của Mỹ vào chiều nay, 23/7, Ngoại trưởng Mỹ Clinton cho biết Tổng thống Mỹ mong muốn tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ tại Mỹ vào cuối năm nay. Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa ASEAN - Mỹ, sau hội nghị đầu tiên tại Singapore vào năm ngoái.
Đáp lại những tuyên bố trên, tại cuộc họp báo sau Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) của Mỹ, Ngoại trưởng Clinton tiếp tục lên án hành động của Triều Tiên, đã khiêu khích và đánh đắm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc.

 

Song bà cũng nhắc lại điều mà bà cho biết đã nói rất nhiều lần, kể cả trong ngày hôm nay,  là “cánh cửa vẫn mở cho Triều Tiên” nếu Triều Tiên sẵn sàng cam kết như 5 năm trước, năm 2005, đó là phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên.

 

Bà cũng cho biết Mỹ sẵn sằng gặp Triều Tiên, đàm phán với Triều Tiên, tiến tới bình thường hóa quan hệ, hỗ trợ kinh tế cho nước này.

 

Tuy nhiên, bà bày tỏ thất vọng khi Triều Tiên vẫn tiếp tục đe dọa và gây ra nhiều lo ngại cho các nước láng giềng và khu vực. Bà khẳng định lại một lần nữa sự ủng hộ, bảo vệ vững chắc đối với Hàn Quốc, như bà đã khẳng định trong chuyến công du Hàn Quốc 2 ngày trước đây.

 

Cuối cùng, bà Clinton cho rằng mặc dù mong muốn Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân, nhưng từ tình hình hiện nay điều đó sẽ không xảy ra trong tương lai gần.

 

Thành công của Việt Nam và Hàn Quốc là hình mẫu cho Afghanistan

 

Ngoại trưởng Mỹ Clinton: Cánh cửa đàm phán vẫn mở cho Triều Tiên - 2
Sau khi kết thúc ARF, chiều nay, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên máy bay rời Hà Nội trở về nước (Ảnh AFP).
 

Trong chuyến công du châu Á lần này, Ngoại trưởng Mỹ đã tới đất nước được cho là đang tái hiện lại cuộc chiến tranh của Mỹ trong quá khứ và hiện tại: Afghinistan. Và khi đến Việt Nam tham dự ARF, bà bày tỏ hi vọng trong tương lai Afghanistan sẽ làm tốt như Hàn Quốc và Việt Nam khi chiến tranh, xung đột kết thúc.

 

Bà Clinton cho rằng bước tiến phi thường về kinh tế, cơ cấu tổ chức trong hơn 60 năm qua ở Hàn Quốc và 35 năm qua ở Việt Nam (sau khi chiến tranh kết thúc) khiến bất kỳ ai mong muốn điều tốt đẹp cho Afghanistan cũng phải quan tâm.

 

Song bà nhận thấy đây là công cuộc vô cùng khó khăn, cần đến rất nhiều kiên nhẫn, quyết tâm. Lịch sử dân chủ, thịnh vượng ở Hàn Quốc từng rất khó khăn, không những là cuộc chiến Triều Tiên mà còn là rất nhiều khó khăn trong việc thiết lập các thể chế dân chủ đủ mạnh để vượt qua tất cả mọi thách thức.

 

Bà nhấn mạnh một trong những bài học rất quan trọng đối với tất cả là làm thế nào mà 15 năm sau bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam - Mỹ, 35 năm sau khi chiến tranh kết thúc, hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ lại tăng lên từng ngày. Theo bà, nhiều nước đã không thể gạt được những giận dữ, thất vọng, đau khổ, mà họ cảm nhận được qua trải nghiệm của ông bà họ trong chiến tranh sang một bên.

 

Vì vậy mà từ những thành công Việt Nam và Hàn Quốc đạt được, hai nước này đều là hình mẫu cho các nước khác trên thế giới, bà Clinton khẳng đinh.

 

Bà bày tỏ hi vọng Afghanistan có thể xây dựng một chính phủ mạnh hơn, mang đến dân chủ cho người dân, phát triển kinh tế và vượt qua được quá khứ chiến tranh cũng như xung đột.
 

Mỹ phản đối dùng vũ lực ở Biển Đông

 

Khẳng định “lợi ích quốc gia” của Mỹ ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, Mỹ không nghiêng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, ủng hộ tất cả các bên cùng nhau tìm giải pháp chính trị để giải quyết tranh chấp vùng lãnh thổ” và “phản đối bất kỳ quốc gia nào sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực” ở vùng biển quan trọng này.

 

Cũng theo bà, do việc giải quyết tranh chấp Biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với an ninh khu vực, nên Mỹ sẵn sàng làm việc cùng các bên để sắp xếp thương lượng nhằm giải quyết tranh chấp.

 

Bà Clinton mong “các bên tranh chấp theo đuổi các tuyên bố chủ quyền và các quyền kèm theo đối với vùng biển phải phù hợp với công ước LHQ về luật Biển”. Bên cạnh đó bà ủng hộ với Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) được ký giữa ASEAN - Trung Quốc năm 2002, “kêu gọi các bên nỗ lực tiến tới một thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử đầy đủ”.
 

Phan Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm