1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhìn lại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 43

Từ sáng kiến của Việt Nam đến kết quả đạt được cho ASEAN

(Dân trí) - Với tư cách là chủ tịch ASEAN 2010, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 43 (AMM-43) và các hội nghị liên quan, Việt Nam đã thể hiện được sự “chủ động, tích cực và trách nhiệm” của mình, đưa ra nhiều sáng kiến, dẫn dắt hội nghị đạt được nhiều kết quả lớn.

 

Từ sáng kiến của Việt Nam đến kết quả đạt được cho ASEAN - 1


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm (giữa) trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị AMM-43 và các hội nghị liên quan.

 

Từ sáng kiến của Việt Nam

 

Phát biểu tại cuộc họp báo tổng kết Hội nghị AMM-43 và các hội nghị liên quan diễn ra ở Hà Nội từ ngày 19-23/7, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm khẳng định Hội nghị đã thành công tốt đẹp trong không khí xây dựng, trao đổi hết sức thẳng thắn, thực hiện được các yêu cầu đề ra trước hội nghị, đó là đẩy mạnh hợp tác trong ASEAN; tăng cường vai trò của ASEAN; thúc đẩy đối thoại, hợp tác hòa bình; mở rộng quan hệ đối ngoại và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN.

 

Với tư cách là nước chủ nhà, chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thể hiện khéo léo vai trò trung tâm của mình trong việc dẫn dắt, điều phối các hoạt động của khối, với kim chỉ nam xuyên suốt là “chủ động, tích cực và trách nhiệm”.

 

Về sự chủ động, ngay sau khi nhân nhiệm vụ là chủ tịch ASEAN từ Thái Lan vào khoảng giữa năm ngoái, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhanh chóng hình thành bộ máy, chủ động đi trước một bước trong việc trao đổi với các nước thành viên ASEAN. Cụ thể, Việt Nam đã trao đổi, tham khảo với các nước thành viên khác trong khối về các vấn đề tập trung phát triển trong năm 2010, từ đó nhất trí tập trung triển khai mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN, đưa hiến chương ASEAN vào cuộc sống.

 

Sự chủ động đó còn được thể hiện trong việc Việt Nam dự đoán được các vấn đề gai góc của ASEAN 2010, như các vấn đề nóng của Triều Tiên, bầu cử Mianma hay các vấn đề mới nổi ở Thái Lan. Việt Nam đều tham khảo ý kiến của các nước thành viên về các vấn đề này để đảm bảo khi đưa ra tranh luận đạt được sự đồng thuận cao.

 

Tất cả những vấn đề của ASEAN đều được Việt Nam tham gia môt cách tích cực, không né tránh, lắng nghe để đưa ra quyết định hợp lý, thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao.

 

Từ phương châm “chủ động, tích cực, trách nhiệm”, Việt Nam đã đưa ra được nhiều sáng kiến trong hội nghị lần này, nổi bật là 4 sáng kiến đã được các nước thành viên khác ủng hộ cao.

 

Đầu tiên, Việt Nam đã thống nhất được quan điểm của ASEAN về nguyên tắc, cấu trúc và định hình trong tương lai. Ví dụ như, đối với Cấp cao Đông Á (EAS), có rất nhiều đối tác muốn tham gia, nhưng Việt Nam đã thống nhất được đây là cấu trúc mở, nhưng việc kết nạp các thành viên mới phải có chọn lọc, giữ được vai trò cốt lõi của ASEAN.

 

Ngoài ra, tại Hội nghị lần này, Việt Nam đã thúc đẩy được Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng gọi tắt là ADMM +8, là cơ chế đảm bảo an ninh cho khu vực. Mô hình ADMM+ này đầu tiên xuất phát từ nhu cầu của cả khối ASEAN. Theo đó, cơ chế mở rộng hợp tác được thiết lập với 8 đối tác, trong đó có nhiều cường quốc, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

 

Cũng từ ADMM +8, Việt Nam đã đề xuất tổ chức cuộc họp của những người đứng đầu của cơ quan an ninh, cảnh sát nội địa, cùng giải quyết các vấn đề như khủng bố, bắt cóc phụ nữ, di dân không tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia… nhằm hạn chế được tiêu cực an ninh liên quốc gia. Đây là những vấn đề không nằm trong các vấn đề quốc phòng hay chính trị.

 

Đặc biệt, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến Tuyên bố về hợp tác cứu trợ nhân đạo trên biển đối với người và thuyền gặp nạn trên biển và được các nước thành viên khác trong ASEAN ủng hộ cao. Đây được xem là sáng kiến mang lại nhiều lợi ích cho các ngư dân, trong đó có các ngư dân Việt Nam.

 

Đến kết quả đạt được

 

Từ vai trò là chủ tịch ASEAN 2010 và từ những sáng kiến, đóng góp tích cực, chủ động và đầy trách nhiệm trên của Việt Nam, Hội nghị AMM-43 và các hội nghị liên quan đã thu được nhiều kết quả cụ thể. 
 
 
Từ sáng kiến của Việt Nam đến kết quả đạt được cho ASEAN - 2
ASEAN đã thể hiện được sự kết nối của mình trong nội khối cũng như khu vực.

 

Về hợp tác trong nội khối ASEAN, Hội nghị đã nhất trí khẳng định ưu tiên xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường kết nối ASEAN, tạo nền tảng vững chắc cho liên kết khu vực. Để thực hiện điều này, ASEAN nhất trí thực hiện mở rộng Hiến chương ASEAN, kiện toàn bộ máy tổ chức, hoàn tất văn kiện pháp lý ASEAN.

 

Ngoài ra, việc thông qua kế hoạch giai đoạn 2010-2011 của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền cũng là một thành quả rất lớn của ASEAN. Theo đó, ASEAN đã nhất trí với sáng kiến của Việt Nam là tăng cường hỗ trợ nhân đạo với những người và các tàu thuyền bị nạn trên biển, thể hiện tinh thần tương trợ lẫn nhau trong khối.

 

Về mục tiêu xây dựng cộng đồng chính trị ASEAN vì hòa bình, ổn định, các ngoại trưởng Đông Nam Á đã chính thức tổ chức lễ ký kết cho Canada, Thổ Nhĩ Kỳ tham gia Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện (TAC). Ngoài ra, các nước tham gia cũng ký nghị định thứ 3 sửa đổi một số điều của TAC, nhất trí tạo điều kiện để EU/EC có thể tham gia TAC.

 

Các bộ trưởng cũng cam kết biến Đông Nam Á thành khu vực không có vũ khí hạt nhân, thể hiện qua Kế hoạch hành động tăng cường Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). ASEAN cam kết tích cực tham vấn và thúc đẩy sự ủng hộ của các quốc gia có vũ khí hạt nhân đối với Hiệp ước này.

 

Cũng trong mục tiêu thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực, các bộ trưởng đã khẳng định nguyên vọng duy trì hòa bình Biển Đông là nguyện vọng chung và vì lợi ích chung của các nước trong khu vực. Mục tiêu này được cụ thể hóa bằng biện pháp thực hiện tốt Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). DOC đã quy định rõ các bên dùng hòa bình, thương lượng để giải quyết mọi tranh chấp. Ngoài ra, việc giải quyết tranh chấp phải dựa trên công ước quốc tế về biển của LHQ và trong quá trình giải quyết tranh chấp các bên phải kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình.

 

ASEAN và Trung Quốc đã cam kết tiếp tục hợp tác tốt trong vấn đề này, nhất trí sớm nối lại các cuộc họp cấp cao ASEAN với Trung Quốc về xây dựng các nguyên tắc ứng xử đầy đủ cho DOC.
 
 
Từ sáng kiến của Việt Nam đến kết quả đạt được cho ASEAN - 3
Sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ Clinton tại Hà Nội cho thấy mối quan hệ đang ngày càng tốt đẹp hơn giữa Việt Nam - Hoa Kỳ sau 15 năm bình thường hóa quan hệ và cho thấy tầm quan trọng của ASEAN trong khu vực.
 

Hội nghị cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác đối phó với các thách thức toàn cầu như khủng bố, tôi phạm xuyên quốc gia, an ninh, hàng hải để đảm bảo an ninh khu vực. Hội nghĩ đã coi Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) như một cơ chế chủ chốt, nhằm đối thoại sinh lòng tin trong châu Á - Thái Bình Dương. Diễn đàn ARF lần này đã thông qua được chương trình Hành động Hà Nội, theo đó triển khai được tầm nhìn ARF, đề định hướng chiến lược cụ thể cho hợp tác an ninh trong khu vực.

 

Về vai trò trung tâm của ASEAN trong  hợp tác Đông Á và cấu trúc khu vực, tại hội nghị lần này ASEAN đã thể hiện được vai trò gắn kết khu vực của mình. Nổi bật nhất là việc ASEAN hoan nghênh Nga và Mỹ bày tỏ quan tâm tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và nhất trí kiến nghị lên lãnh đạo cấp cao ASEAN lần thứ 17 tới để hai cường quốc này tham gia EAS vào thời điểm phù hợp, với cách thức hợp lý.

 

Đây không phải là lần đầu tiên ASEAN chứng tỏ vai trò gắn kết của mình với các nước trong khu vực. Trước đây, khối Đông Nam Á này đã là thành viên sáng lập nòng cốt của nhiều cơ cấu khu vực như Diễn đàn An ninh ARF, hay ASEAN + 3 (gồm ASEAN cùng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc).

Cuối cùng, phải kể đến sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Hà Nội để tham dự các cuộc họp của ASEAN cùng ARF là một mốc quan trọng, tiếp tục đánh dấu sự chuyển hướng trong chính sách của Mỹ. Tiếp nối quyết tâm trở lại vùng Đông Nam Á, tại ARF, bà Clinton thông báo Tổng thống Mỹ sẽ mời các nhà lãnh đạo ASEAN đến Washington dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần hai, sau hội nghị lần 1 ở Singapore vào năm ngoái. Một vài chỉ dấu đó cũng đã đủ thể hiện rõ ASEAN có vai trò quan trọng như thế nào, không chỉ riêng với cường quốc số một thế giới mà còn cả trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới.

Phan Anh