1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Diễn đàn khu vực ASEAN quan ngại sâu sắc về vụ chìm tàu Hàn Quốc

(Dân trí) - Tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), vừa kết thúc ở Hà Nội vào chiều nay 23/7, 27 đối tác tham gia đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc, kêu gọi các bên liên quan kìm chế, giải quyết bất đồng trong hòa bình.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1462/Tau-hai-quan-Han-Quoc-dam-gan-Trieu-Tien.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Tàu hải quân Hàn Quốc đắm gần Triều Tiên</b></a>

 

Diễn đàn khu vực ASEAN quan ngại sâu sắc về vụ chìm tàu Hàn Quốc - 1


Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm (trái) trao cho Tổng thư ký ASEAN Sutin Pitsuwan các tài liệu đã được ký kết ở phần cuối Diễn đàn ARF, chính thức đưa Canada, Thổ Nhĩ gia nhập Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện (TAC) (Ảnh AFP).

 

Diễn đàn ARF đã diễn ra trong ngày hôm nay, 23/7, với 2 phiên họp chính (họp kín và họp toàn thể) để các bên trao đổi về các vấn đề trong khu vực cũng như quốc tế cùng quan tâm, điểm lại tình hình hợp tác trong năm qua và đề ra định hướng cho tương lai Diễn đàn.

 

Các Bộ trưởng nhấn mạnh hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển là mục tiêu và nguyện vọng chung của các nước khu vực. Các nước tham gia ARF khẳng định ủng hộ việc triển khai hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC), hướng tới mục tiêu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong tương lai; tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp trên tinh thần của Tuyên bố DOC và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).       

 

Liên quan đến tình hình khu vực, các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ chìm tàu Cheonan hôm 26/3/2010; bày tỏ chia buồn với Chính phủ và người dân Hàn Quốc về các tổn thất về người.

 

Tuy nhiên, các Bộ trưởng cũng đạt được sự đồng thuận cao khi ủng hộ tuyên bố mới đây của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về vụ chìm tàu, đó là lên án vụ việc, nhưng không đổ lỗi cho Triều Tiên.

 

Các Bộ trưởng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và nỗ lực giải quyết hòa bình các khác biệt; sớm nối lại đàm phán 6 bên nhằm mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và vì hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực.

 

Về vấn đề Mianma, các nước bày tỏ mong muốn cuộc bầu cử tới đây tại nước này sẽ diễn ra tự do, công bằng, với sự tham gia của các đảng phái; tạo điều kiện để Mianma có thể ổn định đất nước và tập trung phát triển. Các nước khẳng định sẽ phối hợp với Mianma trên tinh thần tích cực và xây dựng.

 

Về chia sẻ cấu trúc khu vực đang định hình, các nước tham gia ARF bày tỏ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, hoan nghênh các nỗ lực của ASEAN thúc đẩy sự tham gia gắn kết của các Đối tác vào các tiến trình hợp tác khu vực, trong đó có việc thu xếp sẽ mời Nga và Mỹ tham gia Cấp cao Đông Á với điều kiện và thời điểm thích hợp.

 

Về hướng tương lai của tiến trình ARF, các Bộ trưởng nhấn mạnh ARF cần tiếp tục giữ vững vai trò là diễn đàn chủ đạo đối thoại về các vấn đề chính trị và an ninh khu vực với ASEAN ở vị trí trung tâm. Ngoài ra, ARF cần tập trung hướng mạnh vào hành động, ứng phó hữu hiệu hơn với các thách thức, nhất là các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh hàng hải...

 

Đặc biệt, các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua Chương trình hành động Hà Nội nhằm thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF với các mục tiêu và biện pháp cụ thể hướng tới xây dựng một khu vực ARF hòa bình, ổn định và thịnh vượng vào năm 2020.

 

Phan Anh