Phó thủ tướng Việt Nam chủ trì diễn đàn an ninh khu vực ARF
(Dân trí) - Sáng nay, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại Phạm Gia Khiêm đã chủ trì Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), diễn đàn được đánh giá là quan trọng nhất về hợp tác an ninh ở châu Á, với sự tham dự của 27 thành viên.
Trong lời đầu phát biểu tại Diễn đàn khu vực ASEAN, Phó thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã chào mừng các thành viên của Diễn đàn tới Hà Nội. Ông khẳng định tầm quan trọng của Diễn đàn thường niên này, cụ thể như diễn đàn là nơi tạo cơ hội để trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực cũng như quốc tế, vì lợi ích chung; xem xét, đánh giá các hoạt động của ARF và đặt ra lộ trình cho tương lai.
Phó Thủ tướng Việt Nam cho biết trong chương trình nghị sự và hoạt động của ARF ngày hôm nay sẽ có 2 phiên họp gồm họp kín (vào buổi sáng) và họp toàn thể (vào buổi chiều). Trong phiên họp kín, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực cũng như quốc tế. Còn tại phiên họp toàn thể, các nhà lãnh đạo sẽ xem xét, đánh giá lại các hoạt động của ARF trong năm qua, xem xét các đề xuất về hoạt động cho năm tới và thảo luận về tương lai của diễn đàn.
Đôi nét về ARF Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) được thành lập năm 1994 nhằm thúc đẩy cơ chế đối thoại và tham vấn về các vấn đề an ninh và chính trị trong khu vực, xây dựng lòng tin và phát triển ngoại giao phòng ngừa. Khẩu hiệu của ARF là "Xúc tiến hòa bình và an ninh qua đối thoại và hợp tác ở Châu Á Thái Binh Dương".
Đây là một diễn đàn quan trọng nhất về hợp tác an ninh ở châu Á. Diễn đàn này đã bổ sung vào các cơ chế liên minh song phương và đối thoại khác nhau hiện có ở châu Á, củng cố thêm viễn cảnh hợp tác an ninh ở khu vực này. Diễn đàn ARF được xây dựng từ ý tưởng - rút ra từ chính kinh nghiệm của ASEAN - rằng một tiến trình đối thoại có thể tạo ra những biến chuyển tích cực trong quan hệ chính trị giữa các nước. Nó tạo ra một cơ chế hoạt động giúp các thành viên có thể thảo luận về các vấn đề an ninh hiện có trong khu vực và tăng cường các biện pháp hợp tác nhằm thúc đẩy hoà bình và an ninh trong khu vực. ARF bao gồm 27 quốc gia và tổ chức có cùng mối quan tâm đến an ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương. Đó là 10 quốc gia thành viên của ASEAN (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Brunei) và 17 quốc gia, tổ chức khác: Úc, Canada, Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu (EU), Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Pakistan, Mông Cổ, Nga, Hoa Kỳ, Papua New Guinea, Đông Timor, Bangladesh, Sri Lanka, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. |
Phan Anh