1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngoại trưởng Lavrov: Đừng đùa với lằn ranh đỏ của Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo lằn ranh đỏ của Nga không nên bị đùa giỡn trong bối cảnh Mỹ có thể cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine.

Ngoại trưởng Lavrov: Đừng đùa với lằn ranh đỏ của Nga - 1

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (Ảnh: Getty).

"Mỹ đã vượt qua ngưỡng mà họ tự đặt ra. Họ đang bị kích động và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tất nhiên, nhìn thấy điều này và lợi dụng nó. Nhưng họ nên hiểu, họ đang đùa giỡn với lằn ranh đỏ của chúng tôi. Họ không nên đùa giỡn với lằn ranh đỏ của chúng tôi", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố hôm 4/9.

Ngoại trưởng Lavrov cho biết Mỹ đang mất đi tầm nhìn về ý thức răn đe lẫn nhau, vốn đã củng cố sự cân bằng an ninh giữa Moscow và Washington kể từ Chiến tranh Lạnh, và điều này rất nguy hiểm.

Cảnh báo của ông Lavrov được đưa ra sau khi Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết Tên lửa Hành trình Không đối đất Tầm xa Liên quân (JASSM) sẽ có trong gói vũ khí viện trợ của Mỹ cho Ukraine, dự kiến được công bố vào mùa thu năm nay. Tên lửa có thể được tích hợp vào máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ thiết kế và được các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine.

JASSM do Lockheed Martin phát triển, có thể cho phép quân đội Ukraine tấn công các mục tiêu cách biên giới Nga khoảng 300km, thậm chí lên tới 500km đối với một số phiên bản tầm xa hơn và đặc biệt hơn.

Một trong số các nguồn tin khẳng định việc cung cấp JASSM cho Ukraine được coi là vấn đề nhạy cảm, vì sẽ gây thêm áp lực buộc Washington phải nới lỏng các hạn chế đối với việc Kiev sử dụng vũ khí của Mỹ tấn công lãnh thổ Nga.

Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo phương Tây kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022 rằng không nên tìm cách ngăn cản Nga, quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, Washington và các đồng minh vẫn gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp xe tăng, tên lửa tiên tiến và máy bay chiến đấu F-16.

Điều đó đã thúc đẩy một số chính trị gia phương Tây cho rằng tuyên bố hạt nhân của ông Putin chỉ là lời nói suông và Mỹ cũng như NATO nên dốc toàn lực để giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga.

Trong nhiều tháng qua, Kiev đã yêu cầu các nước phương Tây cho phép mở rộng phạm vi tấn công và sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. Trong chuyến thăm Mỹ gần đây, các quan chức cấp cao Ukraine được cho là đã cho phía Mỹ xem danh sách các mục tiêu xa hơn trong lãnh thổ Nga mà Kiev muốn tấn công.

Bình luận về danh sách mục tiêu tấn công vào lãnh thổ Nga mà Kiev mong muốn thực hiện, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov đã cảnh báo rằng Washington "sẽ không thể ngồi yên ở bên kia đại dương" nếu dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng tên lửa của mình, và rằng tất cả các thiết bị do phương Tây cung cấp chắc chắn sẽ bị phá hủy.

Ukraine đang nỗ lực kêu gọi Mỹ "cởi trói" quyền sử dụng vũ khí tầm xa trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 khi Kiev lo ngại rằng chiến thắng của cựu Tổng thống Donald Trump có thể đồng nghĩa với việc Washington sẽ giảm viện trợ cho Ukraine.

Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử, đồng thời chỉ trích viện trợ quân sự của Mỹ cho Kiev.

Thông tin về viện trợ tên lửa mới được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang tiến hành chiến dịch đột kích vào tỉnh Kursk của Nga. Sau gần 4 tuần giao tranh, Ukraine tuyên bố kiểm soát khoảng 1.300km2 lãnh thổ Nga, bất chấp nỗ lực của Moscow nhằm đẩy lùi lực lượng Kiev khỏi biên giới.

Theo Reuters