1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nghi vấn Trung Quốc xây dựng mô hình tàu sân bay Mỹ làm mục tiêu tấn công

Thành Đạt

(Dân trí) - Quân đội Trung Quốc được cho là sử dụng mô hình tàu sân bay Mỹ đặt trên sa mạc ở Tân Cương để làm mục tiêu tấn công giả định.

Nghi vấn Trung Quốc xây dựng mô hình tàu sân bay Mỹ làm mục tiêu tấn công - 1

Mục tiêu hình tàu sân bay Mỹ được xây dựng ở Tân Cương, Trung Quốc (Ảnh: Maxar).

Theo trang tin của Viện Hải quân Mỹ, các hình ảnh vệ tinh mới được công bố cho thấy, quân đội Trung Quốc đã xây dựng các mục tiêu mô phỏng tàu sân bay Mỹ và 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke ở sa mạc Taklamakan, Tân Cương.

Các tàu chiến trên đều do Hạm đội 7 của Mỹ triển khai. Đây là lực lượng có nhiệm vụ tuần tra khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm vùng biển xung quanh Đài Loan.

Các hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies, một công ty của Mỹ với hơn 80 vệ tinh trên quỹ đạo, chụp vào tháng 10.

Trong tuyên bố gửi hãng tin Bloomberg hôm 8/11, Maxar cho biết ngoài tàu chiến Mỹ, khu vực trên còn có 2 mục tiêu hình chữ nhật dài khoảng 75 m được gắn trên đường ray.

Theo Bloomberg, địa điểm trên có thể nhìn thấy rõ qua vệ tinh và Bắc Kinh dường như đang cố gắng cho Washington thấy lực lượng tên lửa Trung Quốc có thể hành động như thế nào.

Vào tháng 8 năm ngoái, quân đội Trung Quốc đã phóng thử tên lửa đạn đạo DF-26B và tên lửa đạn đạo DF-21D ra Biển Đông.

Tên lửa DF-26 có tầm bắn khoảng 4.000 km và có thể sử dụng trong một cuộc tấn công hạt nhân hoặc truyền thống nhằm vào các mục tiêu trên bộ hoặc trên biển. Trong khi đó, tên lửa DF-21 có tầm bắn khoảng 1.800 km. Cả hai mẫu tên lửa này có thể tạo ra mối đe dọa với tàu sân bay, nên chúng được coi là "sát thủ tàu sân bay".

Cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Phil Davidson, sau đó đã phát biểu trước Thượng viện rằng, hành động của Trung Quốc nhằm gửi đi một "thông điệp" tới Washington.

Tên lửa DF-21D là trọng tâm trong chiến lược hành động quân sự răn đe của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển phía đông nước này bằng cách đe dọa phá hủy các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ - nguồn sức mạnh chính của Mỹ trong khu vực.

Theo Bloomberg, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang âm thầm cải thiện trong những tháng gần đây, tuy nhiên hai quốc gia vẫn gia tăng căng thẳng trong vấn đề Đài Loan và Washington ngày càng lo ngại về kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh.

Lầu Năm Góc đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của nước này nhanh hơn so với Mỹ dự đoán.

Báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc ước tính kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể mở rộng nhanh chóng lên 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027 và 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030. Con số này cho thấy sự gia tăng đáng kể so với dự báo do Lầu Năm Góc đưa ra hồi năm ngoái về sức mạnh quân sự Trung Quốc.

Báo cáo của Mỹ nhận định, Trung Quốc đang đầu tư và mở rộng số lượng các nền tảng hạt nhân trên đất liền, trên biển và trên không, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ sự mở rộng của lực lượng hạt nhân nước này.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản bác, khẳng định báo cáo của Mỹ "sai sự thật và đầy thành kiến". Bắc Kinh cho rằng Mỹ đang sử dụng báo cáo này để "thổi phồng mối đe dọa hạt nhân Trung Quốc".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm