1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nghị sĩ Đức: Berlin tốn kém hơn 3-4 lần vì quay lưng với khí đốt Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một nghị sĩ Đức cho rằng nước này đang tốn kém gấp 3-4 lần so với trước đó sau khi giảm mạnh nhập khí đốt từ Nga.

Nghị sĩ Đức: Berlin tốn kém hơn 3-4 lần vì quay lưng với khí đốt Nga - 1

Nga đã là nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu trong hàng chục năm qua (Ảnh: Reuters).

Nghị sĩ Đức Steffen Kotre nói với Tass rằng, nước này đang phải trả chi phí mua khí đốt tự nhiên cao gấp nhiều lần so với mua khí đốt qua đường ống của Nga như trong quá khứ. 

"Khí đốt của Nga có lợi và thân thiện với môi trường và nguồn cung cấp hiện tại - chủ yếu là khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Mỹ - không như vậy. Đức đang trả gấp 3-4 lần cho những nguồn cung cấp này nhưng khí đốt từ Mỹ được sản xuất bằng phương pháp không tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường của chúng tôi", nhà lập pháp Đức nói.

Theo khuyến nghị từ nhà làm luật của đảng "Sự thay thế cho nước Đức", Berlin cần phải sử dụng đường ống còn lại của đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 để mua thêm khí đốt từ Nga.

Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố rằng nước này đã tìm được nguồn cung thay thế cho khí đốt Nga và có thể "tự hào về điều đó".

Tuy nhiên, ông Kotre cho rằng, giá khí đốt cao đang ảnh hưởng tới các công ty và khách hàng tư nhân, dẫn tới "quá trình phi công nghiệp hóa của Đức. Để đảm bảo khả năng cạnh tranh, Đức cần đồng ý mua khí đốt trên đường ống còn lại của dự án Dòng chảy phương Bắc 2".

Việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 bắt đầu vào năm 2018, nhưng bị cản trở bởi áp lực chính trị - và các lệnh trừng phạt kinh tế - từ phương Tây. Đường ống được hoàn thành và tăng áp vào tháng 9/2021.

Tuy nhiên, Đức chưa cấp phép cho đường ống hoạt động và viễn cảnh đường ống này đi vào vận hành là không cao khi căng thẳng Nga - phương Tây đang leo thang vì tình hình chiến sự ở Ukraine.

Thêm vào đó, vào tháng 9 năm ngoái, một vụ nổ lớn xảy ra làm hư hỏng đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và một đường ống Dòng chảy phương Bắc 2. Các bên hiện chưa điều tra ra thủ phạm đứng sau vụ việc.

Hiện thời, khí đốt Nga chỉ có thể chảy qua Đức và Trung Âu thông qua các đường ống quá cảnh qua Ba Lan và Ukraine.

Trước đó, Guardian hồi tháng 8 nói rằng, dù đã giảm mạnh mua khí đốt chảy qua đường ống của Nga, nhưng châu Âu vẫn tiếp tục gia tăng việc nhập LNG từ Moscow trong thời gian qua.

Cụ thể, lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) châu Âu nhập từ Nga đã tăng 40% kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022 bất chấp nỗ lực của EU nhằm gây áp lực lên nguồn thu chính của Nga.

Đức và Bỉ, 2 quốc gia được xem là cửa ngõ chính cung cấp LNG cho khối, đã trở thành khách hàng lớn thứ 2 và 3 của Nga, sau Trung Quốc. 

Các nước châu Âu đã nỗ lực tìm phương án thay thế khí đốt chảy qua đường ống của Nga, nhưng lại quay sang nhập LNG từ nhiều nguồn, trong đó có Moscow vì LNG là mặt hàng không bị trừng phạt.

Đức, nền kinh tế hàng đầu EU, vào tháng 1 cho biết nước này không còn phụ thuộc vào Nga về năng lượng vì đã đảm bảo được nguồn cung từ các nơi khác trên toàn cầu, bao gồm cả Mỹ và Na Uy.

Tuy nhiên, các chuyên gia từ công ty nghiên cứu Kpler cảnh báo rằng việc mua LNG sẽ làm chi phí năng lượng của châu Âu tăng vọt.

Khác với khí đốt chảy qua đường ống, vốn thường được cung cấp thông qua hợp đồng dài hạn, LNG được mua trên thị trường giao ngay, khiến nó có giá cao gấp vài lần. Các chi phí hóa lỏng, vận chuyển cũng đẩy giá LNG lên cao hơn nhiều lần.

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm