G7, EU có thể cấm tái khởi động các nguồn cung khí đốt của Nga

Thanh Thành

(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo của nhóm G7 có kế hoạch thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, trong đó chú trọng nhằm vào nguồn thu từ ngành năng lượng và xuất khẩu của Moscow.

G7, EU có thể cấm tái khởi động các nguồn cung khí đốt của Nga - 1

Hình ảnh quảng bá hội nghị G7 tại nhà ga Niigata ở Nhật Bản (Ảnh: Reuters).

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến nhóm họp thượng đỉnh từ ngày 19 đến 21/5 tới tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

Theo các nguồn tin, tình hình chiến sự căng thẳng ở Ukraine dự kiến sẽ phủ bóng nội dung cuộc họp. Trong đó, các nhà lãnh đạo sẽ nỗ lực gia tăng sức ép kinh tế đối với Nga bằng cách chặn tối đa nguồn thu từ năng lượng chủ chốt của Moscow.

Các biện pháp mới dự kiến sẽ được các nhà lãnh đạo công bố tại hội nghị thượng đỉnh khối G7 gồm các nước Mỹ, Anh, Đức, Italia, Pháp, Canada và Nhật Bản sắp tới.

Kế hoạch đưa ra là sẽ chặn Nga tái khởi động các đường ống khí đốt sang châu Âu mà nước này đã tạm dừng hoạt động từ năm ngoái, theo các quan chức tham gia cuộc đàm phán về lệnh cấm này.

Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên thương mại khí đốt qua đường ống của Nga bị phương Tây áp lệnh phong tỏa kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

Năm 2022, Nga cắt đứt nguồn cung khí đốt ở đường ống Nord Stream 1 kết nối với Đức, châm ngòi cuộc khủng hoảng năng lượng khắp châu Âu. Hiện nay, các cường quốc phương Tây muốn đảm bảo rằng Nga sẽ không nhận được bất kỳ khoản thu xuất khẩu năng lượng nào tăng thêm để gia tăng sức ép kinh tế lên nước này.

Theo các chuyên gia, dù không có khả năng ảnh hưởng ngay lập tức đến bất kỳ dòng khí đốt xuất khẩu của Nga, nhưng động thái này nhấn mạnh quyết tâm mạnh mẽ của EU nhằm xoay trục hoàn toàn ra khỏi hàng thập niên phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.

Ngoài ra, các quan chức Mỹ cũng kỳ vọng các thành viên G7 sẽ nhất trí điều chỉnh cách tiếp cận của họ đối với các biện pháp trừng phạt, ít nhất là đối với một số loại hàng hóa của Nga.

Các động thái này của giới nhà lãnh đạo G7 đối với Nga diễn ra trong bối cảnh các đồng minh phương Tây của Ukraine đang nỗ lực tìm kiếm những cách mới để thắt chặt các lệnh trừng phạt vốn đã hạn chế đối với Nga, từ kiểm soát xuất khẩu đến hạn chế thị thực và giới hạn giá dầu, vốn đã gây áp lực lên Moscow nhưng không khiến nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng lớn.

Một số đồng minh của Mỹ đã phản đối ý tưởng cấm vận thương mại rộng rãi và sau đó ban hành miễn trừ theo từng danh mục. EU có cách tiếp cận riêng và hiện cũng đang đàm phán gói trừng phạt thứ 11 kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ, với phần lớn tập trung vào người dân và các quốc gia lách luật hạn chế thương mại hiện có.

Theo SCMP