1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Dự trữ khí đốt của EU cao kỷ lục

An Hoàng

(Dân trí) - Dự trữ khí đốt tự nhiên lưu trữ của EU đạt gần 98% trước thời hạn, là con số cao nhất lịch sử bất chấp việc đã giảm 80% nhập khẩu khí đốt của Nga.

Dự trữ khí đốt của EU cao kỷ lục - 1

EU tăng cường dự trữ khí đốt trước thềm mùa đông trong bối cảnh nguồn cung từ Nga bị gián đoạn (Ảnh: Reuters).

Theo dữ liệu của Cơ sở Hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE) công bố ngày 16/10, lượng khí đốt tự nhiên tại các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của EU đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, đạt gần 98%, hay xấp xỉ 108 tỷ m3. Con số này phá vỡ kỷ lục trước đó được thiết lập vào tháng 10/2019.

Trong bối cảnh nhu cầu sưởi ấm tăng cao do mùa đông đang đến gần, EU đặt mục tiêu làm đầy 90% các bể chứa khí đốt trước ngày 1/11. Tuy nhiên, con số hiện nay đã ở mức 97,89% dù mới ở trung tuần tháng 10.

Hiệp hội điều hành khí đốt châu Âu cho biết nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho khu vực vẫn ở mức thấp nhất trong gần hai năm qua.

Trong khi đó, tập đoàn năng lượng lớn Gazprom của Nga tiếp tục vận chuyển khí đốt để đến Tây và Trung Âu qua trạm Sudzha, trạm bơm khí duy nhất còn lại ở Ukraine. Tính đến ngày 17/10, tổng lượng khí đốt trung chuyển vào khoảng 42,5 triệu m3 mỗi ngày.

Do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, Kiev đã tạm dừng hoạt động của trạm Sokhranovka, tuyến đường trung chuyển khí đốt quan trọng xử lý khoảng 1/3 lượng khí đốt của Nga cung cấp cho EU, vào tháng 5/2022.

Đầu năm nay, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen,tuyên bố EU đã giảm 80% nhập khẩu khí đốt của Nga.

Để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt, EU đã phải sử dụng các lô hàng LNG giá cao từ Mỹ và Qatar, đồng thời tăng cường nhập khẩu qua đường ống từ Na Uy và Azerbaijan.

Về phần Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng "việc EU mua khí đốt của Mỹ ít khả quan vì sản lượng hạn chế và không dễ để xoay chuyển mọi việc một cách nhanh chóng".

Ông Putin cũng lưu ý rằng Nga có thể tìm kiếm một thị trường tiêu thụ khí đốt thay thế châu Âu, nhưng EU sẽ khó khăn hơn nhiều nếu không có nguồn cung của Nga.

Trước đó, mỗi năm, Nga cung cấp khoảng 155 tỷ m3 khí đốt tự nhiên cho EU, chủ yếu thông qua đường ống.

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm