Nghị sĩ Armenia ẩu đả giữa quốc hội vì cuộc xung đột với Azerbaijan
(Dân trí) - Các nghị sĩ Armenia nổ ra ẩu đả giữa phiên họp quốc hội vì mâu thuẫn xung quanh thỏa thuận hòa bình mà nước này đạt được với Azerbaijan trong cuộc giao tranh diễn ra hồi năm ngoái.
Ngày 25/8, vụ ẩu đả đã xảy ra tại quốc hội Armenia khi các nghị sĩ bất đồng quan điểm xung quanh việc nước này mất quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh vào năm ngoái.
Tháng 11/2020, với trung gian là Nga, Armenia và Azerbaijan đã ký một thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột ở vùng Nagorno-Karabakh, lãnh thổ được cộng đồng quốc tế công nhận là của Azerbaijan, nhưng có phần lớn cư dân là người gốc Amernia.
Phía Azerbaijan gọi đây là thỏa thuận lịch sử, nhưng Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan lại cho đây là thỏa thuận "đau đớn". Sau 6 tuần giao tranh, nhờ giành được lợi thế trên chiến trường, Azerbaijan đã giành lại được quyền kiểm soát một phần vùng và 7 khu vực lân cận từ tay Armenia.
Từ đó tới nay, mâu thuẫn trong nội bộ Armenia liên quan tới vấn đề Nagorno-Karabakh vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng, ngay cả khi đảng của ông Pashinyan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 6 và một quốc hội mới đã được thành lập.
Trong phiên họp quốc hội hôm 25/8, các nghị sĩ đảng đối lập đã ném chai nước vào một thành viên từ đảng Civil Contract của ông Pashinyan. Vụ việc đã làm bùng lên một cuộc ẩu đả, khiến cuộc họp bị tạm dừng và lực lượng an ninh đã được triển khai. Sau đó, các chai lọ trong phòng họp quốc hội đã được mang đi.
Tuy nhiên, khi cuộc họp tiếp diễn, một vụ ẩu đả khác lại xảy ra. Một thành viên của đảng Civil Contract đã cố gắng giơ chân đá một người thuộc phe đối lập, gây nên một vụ va chạm khác trong nhà quốc hội. Lực lượng an ninh đã áp giải một số nghị sĩ ra ngoài và một nhà làm luật sau đó phải nhập viện vì chấn thương ở mắt.
Armenia vướng vào căng thẳng chính trị nội bộ từ cuối năm ngoái do thỏa thuận hòa bình với Azerbaijan. Các bên tại Armenia không thể tìm được tiếng nói chung khi những người ủng hộ ông Pashinyan và phe đối lập đổ lỗi lẫn nhau liên quan tới việc Armenia mất quyền kiểm soát với một phần của Nagorno-Karabakh.