DNews

Nga - Ukraine "bật đèn xanh" hòa đàm, lối thoát xung đột dần hé lộ?

Thành Đạt

(Dân trí) - Cả Nga và Ukraine gần đây đều đưa ra đề xuất về khả năng đàm phán hòa bình chấm dứt xung đột, tuy nhiên lối thoát cho cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm vẫn còn nhiều thách thức.

Nga - Ukraine "bật đèn xanh" hòa đàm, lối thoát xung đột dần hé lộ?

Lập trường của Ukraine

Nga - Ukraine bật đèn xanh hòa đàm, lối thoát xung đột dần hé lộ? - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị về hòa bình Ukraine ở Stansstad gần Lucerne, Thụy Sĩ, ngày 16/6 (Ảnh: Reuters).

Asia Times dẫn lời nhà phân tích Stephen Bryen dự đoán xung đột Ukraine sẽ kết thúc bằng sự nhượng bộ, chứ không phải bằng một thỏa thuận thương lượng. Chuyên gia cũng đưa ra nhận định về kịch bản cuộc chiến sẽ đi đến đâu và tại sao các bên không thể thương lượng để giải quyết xung đột.

Theo chuyên gia Bryen, điểm mấu chốt mới nhất trong câu chuyện đàm phán hiện nay là tuyên bố do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra trong cuộc phỏng vấn gần đây với trang tin Philadelphia Inquirer.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Zelensky cho biết không thể có các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Ukraine và Nga, mà chỉ có thể tiến hành các cuộc đàm phán gián tiếp thông qua bên thứ ba.

Theo kịch bản do ông Zelensky đề xuất, bên thứ ba sẽ đóng vai trò trung gian và mọi thỏa thuận sẽ chỉ đạt được với bên trung gian chứ không phải giữa Nga hay Ukraine. Nhà lãnh đạo Ukraine đề nghị Liên hợp quốc có thể đóng vai trò trung gian này.

Tuy nhiên, đề xuất của Tổng thống Zelensky bị cho là không khả thi vì nhiều lý do, trong đó lý do lớn nhất là các quốc gia tham chiến cần phải trực tiếp đồng ý về việc chấm dứt xung đột.

Theo chuyên gia, không có hy vọng về việc bên thứ ba có thể thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào, như các thỏa thuận Minsk từng thất bại (2014, 2015) trước đó. Minsk là một thỏa thuận phối hợp, được ký kết giữa Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Chuyên gia nhận định, đề xuất của Tổng thống Zelensky thực chất chỉ là một cách để đánh lạc hướng những chỉ trích cho rằng Ukraine không muốn đàm phán trực tiếp với Nga. Có 3 lý do chính ngăn cản Tổng thống Zelensky bước vào bàn đàm phán với Nga.

Lý do quan trọng nhất là một số nước thành viên NATO, cụ thể là Mỹ và Anh, phản đối mạnh mẽ bất kỳ cuộc đàm phán nào của Ukraine với Nga, trong khi đây là những nước viện trợ chính cho Ukraine trong cuộc xung đột. Mỹ đã làm mọi cách có thể, kể cả thông qua các biện pháp trừng phạt và ngoại giao, để ngăn chặn bất kỳ cuộc đối thoại nào của Ukraine với Nga về bất kỳ chủ đề nào (ngoài việc trao đổi tù nhân).

Lý do thứ hai là đạo luật của Ukraine, do Tổng thống Zelensky ký thông qua, cấm đàm phán với Nga. Quốc hội Ukraine có thể hủy bỏ luật này ngay lập tức nếu ông Zelensky yêu cầu, nhưng nhà lãnh đạo Ukraine có thể sẽ không làm như vậy.

"Nắm đấm thép" của Tổng thống Zelensky đồng nghĩa với việc ông sẽ không đích thân cho phép đàm phán trực tiếp với Nga. Ông Zelensky đã ký sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Lý do thứ ba liên quan đến sức ép đối với Tổng thống Zelensky từ những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, đặc biệt là lữ đoàn Azov. Bằng chứng trực tiếp cho điều này là vụ sa thải Trung tướng Yury Sodol, chỉ huy cao nhất của lực lượng Kiev ở khu vực Kharkov.

Ông Sodol bị cách chức ngay sau khi lãnh đạo lữ đoàn Azov của Ukraine Bohdan Krotevych cáo buộc vị tướng này đã gây ra những thất bại quân sự và tổn thất lớn về nhân sự. Ông Krotevych không nêu đích danh ông Sodol, nhưng cho biết một vị tướng giấu tên "đã khiến nhiều binh sĩ Ukraine thiệt mạng hơn bất kỳ tướng Nga nào".

Lữ đoàn Azov đã chuyển thông điệp của họ tới quốc hội Ukraine và Tổng thống Zelensky buộc phải sa thải ông Sodol. Ông Sodol chỉ huy các lực lượng trên bộ ở miền Đông và miền Nam Ukraine, lực lượng đang phải vật lộn với cuộc tấn công ngày càng mạnh của Nga vì đã lấy lại được đà trong những tháng gần đây.

Kể từ khi ông Sodol bị sa thải, tình hình của lực lượng Ukraine đã trở nên tồi tệ hơn trên toàn bộ chiến tuyến. Tổn thất trong các trận chiến của Ukraine rất cao, có ngày lên tới 2.000 người thiệt mạng và bị thương. Trong khi đó, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công bằng bom lượn FAB, bao gồm cả "quái vật" FAB-3000 từng tấn công một trung tâm chỉ huy quân đội Ukraine ở Donbass.

Một sức ép khác đặt lên vai Tổng thống Zelensky trong việc đàm phán với Nga là Moscow không còn coi ông như một "tổng thống hợp pháp" của Ukraine khi nhiệm kỳ của ông kết thúc từ tháng 5. Bất chấp sức ép từ Nga, Tổng thống Zelensky khẳng định nhiệm kỳ của ông vẫn chưa kết thúc.

Theo kế hoạch ban đầu, một cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra tại Ukraine vào ngày 31/3 để chọn ra người kế nhiệm ông Zelensky. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, ông Zelensky cho biết, Ukraine sẽ không tổ chức bất kỳ một cuộc bầu cử nào trong giai đoạn thiết quân luật như hiện nay.

Ukraine bắt đầu thiết lập tình trạng thiết quân luật kể từ khi xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022. Kể từ đó đến nay, quốc hội nước này đã nhiều lần gia hạn thiết quân luật. Đầu năm nay, ông Zelensky tiếp tục nhắc lại việc không thể tổ chức bầu cử do tình hình chiến sự và do nhu cầu huy động nhập ngũ toàn quốc.

Tổng thống Putin nói rằng, Nga phải hoàn toàn chắc chắn rằng đang thực sự làm việc với giới chức trách hợp pháp của Ukraine để tham gia vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa và ràng buộc về mặt pháp lý nhằm giải quyết xung đột giữa hai quốc gia.

"Nhưng câu hỏi đặt ra là đàm phán với ai? Chúng tôi nhận thấy tính hợp pháp của nhà lãnh đạo Ukraine không còn nữa", ông Putin nói.

Đề xuất của Tổng thống Putin

Nga - Ukraine bật đèn xanh hòa đàm, lối thoát xung đột dần hé lộ? - 2

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Astana, Kazakhstan ngày 4/7 (Ảnh: Reuters).

Trong bối cảnh giao tranh vẫn nổ ra trên khắp mặt trận ở Ukraine, Tổng thống Putin gần đây liên tục đưa ra những tuyên bố liên quan đến khả năng đàm phán hòa bình với Ukraine.

Ngày 15/6, ông chủ Điện Kremlin đã đưa ra đề xuất hòa bình, trong đó đề nghị Ukraine công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk, Lugansk (tự xưng), vùng Kherson và Zaporizhia thuộc Nga. Ông Putin cũng đề nghị Ukraine thiết lập quy chế phi hạt nhân, đồng ý phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, duy trì vị thế trung lập, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga. Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ không thể gia nhập NATO theo đề xuất của Nga.

Phát biểu tại cuộc họp báo bên lề hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra ở Kazakhstan ngày 4/7, Tổng thống Putin tuyên bố ngừng bắn ở Ukraine sẽ không thể xảy ra trước khi các bên bắt đầu hòa đàm.

Theo Tổng thống Putin, Nga không thể tuyên bố ngừng bắn vào lúc này vì không thể cho phép Ukraine sử dụng lệnh ngừng bắn để "cải thiện vị trí, tái vũ trang, bổ sung quân đội và tiếp tục xung đột".

Ông Putin cho rằng xung đột Ukraine khó chấm dứt thông qua hòa giải, nhưng Nga vẫn hoan nghênh việc hòa giải. Ông giải thích rằng một bên trung gian hòa giải khó có thẩm quyền ký vào văn bản thỏa thuận cuối cùng.

Nhà lãnh đạo Nga cũng lưu ý Moscow và Kiev có thể sử dụng dự thảo thỏa thuận trong các cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ở giai đoạn đầu xung đột. Nga và Ukraine suýt ký kết dự thảo thỏa thuận tại Thổ Nhĩ Kỳ sau các cuộc đàm phán hồi tháng 3/2022, một tháng sau khi xung đột bắt đầu.

Tổng thống Putin nói rằng Nga có thể đạt được thỏa thuận với Ukraine dựa trên thỏa thuận Istanbul và có tính đến những thay đổi lãnh thổ gần đây ở Ukraine. Tuy nhiên, dự thảo thỏa thuận Istanbul đã "chết yểu" từ tháng 4/2022. Câu hỏi đặt ra là: Liệu dự thảo thỏa thuận này có thể được phục hồi? Liệu Tổng thống Putin có nghiêm túc khi đề xuất dự thảo này làm cơ sở cho một giải pháp với Ukraine hay không?

Dự thảo thỏa thuận Istanbul được đưa ra vào thời điểm Nga rút lực lượng khỏi nỗ lực kiểm soát thủ đô Kiev của Ukraine và khi Moscow sớm phải đối mặt với những bước lùi trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cả hai bên đều sẵn sàng ký kết thỏa thuận, trong đó yêu cầu các cuộc đàm phán trực tiếp tiếp theo giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Zelensky cũng như một loạt thỏa thuận về các vấn đề lãnh thổ mà các cuộc đàm phán ở Belarus và Istanbul trước đó chưa giải quyết được.

Tuy nhiên, Ukraine đã bị thuyết phục rút khỏi dự thảo thỏa thuận với Nga khi các đồng minh phương Tây, chủ yếu là Anh và Mỹ, nói rõ rằng họ phản đối văn bản này.

Bản chất của thỏa thuận Istanbul là đưa Ukraine thành một quốc gia trung lập mà không có bất kỳ sự hiện diện nào của NATO ở nước này. Việc "đền bù" cho sự trung lập của Ukraine sẽ được đưa ra dưới hình thức đảm bảo an ninh từ Nga, cũng như từ các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước khác bao gồm Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Italy, Đức và Canada.

Các điều khoản an ninh của dự thảo thỏa thuận cụ thể hơn so với Điều 5 của Hiệp ước NATO (trong đó quy định một cuộc tấn công vào một nước thành viên NATO sẽ đồng nghĩa với cuộc tấn công vào cả liên minh), và tùy thuộc vào hình thức cuối cùng của thỏa thuận sẽ cho phép mỗi quốc gia hành động để bảo vệ Kiev một cách độc lập mà không cần sự đồng ý của quốc gia khác. Về phần mình, Ukraine sẽ thu hẹp đáng kể quy mô quân đội với ít vũ khí hơn và không có vũ khí tầm xa.

Vấn đề lãnh thổ nhạy cảm nhất là bán đảo Crimea, khu vực Nga đã tuyên bố sáp nhập từ năm 2014 bất chấp sự phản đối của Ukraine và phương Tây. Dự thảo thỏa thuận nói rằng hai bên sẽ đàm phán về tương lai của Crimea sau 10-15 năm, để ngỏ liệu Crimea sẽ vẫn thuộc lãnh thổ của Nga hay trở lại Ukraine theo cách nào đó.

Một vấn đề đặt ra là Mỹ không sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Ukraine. Để kịch bản này xảy ra, Mỹ sẽ cần phải có một hiệp ước với Ukraine và yêu cầu phải có 2/3 Thượng viện chấp thuận.

Mỹ được cho là sẽ không xem xét các cuộc đàm phán về tương lai của Ukraine ở thời điểm hiện tại vì Nga đang giành được các bước tiến trên chiến trường. Thay vào đó, Mỹ sẽ tuyên bố hỗ trợ Ukraine đạt được một số bước đột phá để đẩy lùi Nga, đồng thời tăng cường các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga với lời cảnh báo của Tổng thống Joe Biden rằng các cuộc tấn công này không nhắm mục tiêu vào thủ đô Moscow.

Theo kịch bản của Washington, nếu có sự hỗ trợ lớn từ Mỹ và NATO, trong đó có các loại vũ khí mới bao gồm máy bay chiến đấu và có lẽ cả sự xuất hiện của quân đội NATO, Washington cho rằng Nga có thể bị chặn đứng và một số bước tiến của Moscow sẽ bị đảo ngược. Kịch bản này sẽ mở ra con đường hướng tới các cuộc đàm phán nhằm đạt được lệnh ngừng bắn mà khi đó Nga có thể chấp nhận.

Một lệnh ngừng bắn sẽ giúp Ukraine có thêm thời gian để bổ sung quân và tiếp nhận vũ khí mới, với sự hỗ trợ hạn chế của quân đội NATO ở nước này. Từ đó, tình trạng bế tắc tạm thời sẽ trở thành cơ hội trong tương lai nhằm buộc Nga phải rút hoàn toàn khỏi Ukraine.

Tuy nhiên, hiện tại, kịch bản của Washington sẽ không hiệu quả, vì lực lượng Nga vẫn tiếp tục tấn công mặc dù tốc độ tiến quân của Nga đã chậm lại.

Trong cuộc gặp mới đây với các nhà báo ở St. Petersburg, khi được hỏi tại sao không tăng tốc nỗ lực tiến công ở Ukraine trước khi NATO gửi vũ khí và quân đội đến đây, ông Putin cho biết quân đội Nga đang thực hiện theo kế hoạch và sẽ tiếp tục tiến công với tốc độ hiện tại. Nhà lãnh đạo Nga dường như không nhận thấy sự cấp bách trong cuộc chiến ở Ukraine.

Một số quốc gia NATO đã ký các thỏa thuận phòng thủ với Ukraine, nhưng không quốc gia nào cam kết gửi quân đến bảo vệ Kiev. Mỹ cũng không thể xây dựng một thỏa thuận an ninh của riêng nước và dường như đã bỏ qua vấn đề này ở thời điểm hiện tại.

Tổng thống Putin biết rằng bất kỳ thỏa thuận nào với Ukraine dựa trên đảm bảo an ninh đều khó có thể được Mỹ hoặc thậm chí nhiều nước NATO chấp nhận. Điều này có nghĩa là dự thảo Istanbul không phải là mô hình khả thi cho một thỏa thuận với Ukraine trên cơ sở đảm bảo an ninh.

Gần như chắc chắn Tổng thống Putin biết rằng hiện tại có rất ít hoặc không có cơ hội cho bất kỳ thỏa thuận nào với Ukraine. Đề xuất của ông về dự thảo thỏa thuận Istanbul không dẫn đến bất kỳ giải pháp khả thi nào nếu một thỏa thuận phải bao gồm các đảm bảo an ninh.

Hơn nữa, Nga đã sáp nhập một phần lãnh thổ Ukraine, do vậy việc đạt được thỏa thuận giữa các bên sẽ càng khó khăn hơn.

Cuộc chiến tiêu hao

Nga - Ukraine bật đèn xanh hòa đàm, lối thoát xung đột dần hé lộ? - 3

Phái đoàn Nga, Ukraine đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/3/2022 (Ảnh: Getty).

Theo cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Stephen Bryen cuộc bầu cử tại Liên minh châu Âu (EU) gần đây ở châu Âu và cuộc tranh cử tổng thống Mỹ sắp tới cho thấy có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong việc hỗ trợ Ukraine trong thời gian tới.

Tương tự, phía Nga cũng có những lựa chọn quân sự ở Ukraine ngoài chiến dịch quân sự mà nước này đã phát động ở khu vực Kharkov. Tuy nhiên, không có đề xuất nào, dù trên hay ngoài bàn đàm phán, vào thời điểm hiện tại có thể đưa xung đột đến hồi kết.

Sau hơn 28 tháng giao tranh tàn khốc, những dự đoán trước đó về chiến dịch quân sự chớp nhoáng của Nga đã nhường chỗ cho thực tế về một cuộc xung đột tiêu hao sinh lực ở Ukraine.

Mục tiêu ban đầu của Nga khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng vào tháng 2/2022 là ngăn chặn sự hòa nhập của Ukraine vào liên minh phương Tây. Mục tiêu này cho đến nay vẫn được giữ nguyên. Trong khi đó, Kiev vẫn hy vọng gia nhập EU và NATO khi xung đột rơi vào bế tắc.

Các nhà phân tích cho rằng cả hai bên đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột kéo dài và không có hồi kết. Các đồng minh phương Tây của Ukraine tin rằng Kiev có thể cầm cự lâu hơn trước các cuộc tập kích của Moscow, miễn là nước này nhận đủ vũ khí từ phương Tây.

Theo Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), một tổ chức tư vấn an ninh ở London, để biến mục tiêu này thành hiện thực, Ukraine và phương Tây phải xây dựng một "đại chiến lược nhằm gây ra tổn thất lớn cho Nga". RUSI cho biết, các mục tiêu phải bao gồm việc đưa "Nga vào tình trạng không có khả năng hoặc không muốn tiếp tục xung đột".

Tổng thống Zelensky phản đối ý tưởng cho rằng một cuộc xung đột tiêu hao là điều có thể chấp nhận được. Ông muốn phát động một chiến dịch phản công mang tính quyết định trong năm nay, mặc dù nỗ lực của Kiev nhằm đánh bật Nga khỏi miền Đông Ukraine đã thất bại vào năm ngoái.

"Đúng, chúng tôi có một kế hoạch phản công. Chúng tôi chắc chắn sẽ giành chiến thắng. Chúng tôi không có lựa chọn thay thế", ông Zelensky nói hồi tháng 4.

Ông Zelensky phản đối chính sách cung cấp vũ khí "nhỏ giọt" của phương Tây. Nhà lãnh đạo Ukraine không chỉ trích trực tiếp tổng thống Mỹ, nhưng sẵn sàng công kích EU. Vào tháng 3, ông đã chỉ trích các quốc gia châu Âu vì cho rằng không cung cấp đầy đủ đạn pháo.

"Đạn dược là một vấn đề quan trọng. Châu Âu có thể cung cấp nhiều hơn. Và điều quan trọng là phải thực hiện điều này ngay bây giờ", nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh.

Việc Ukraine bị hạn chế sử dụng vũ khí do đồng minh cung cấp cũng là một vấn đề thách thức. Sau nhiều tuần Nga tập kích tên lửa vào thành phố Kharkov của Ukraine, Tổng thống Biden đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, mặc dù Washington chỉ cho phép Kiev sử dụng những vũ khí này để tập kích khu vực quy mô nhỏ gần biên giới Nga - Ukraine.

Việc đồng minh thường xuyên chậm trễ chuyển giao vũ khí đã khiến Tổng thống Zelensky thất vọng khi Ukraine nhận thấy cơ sở hạ tầng bị phá hủy và binh lính chịu thương vong nhưng không có vũ khí đáp trả.

Câu hỏi đặt ra là ai có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tiêu hao sinh lực này? Tổng thống Putin đã có những nỗ lực nhất quán nhằm tăng cường liên minh với các nước thân thiện với Nga, trong khi Tổng thống Zelensky cũng đi nhiều nơi để tìm kiếm sự hỗ trợ về vũ khí và ngoại giao.

Gần đây, một hội nghị hòa bình về Ukraine được tổ chức tại Thụy Sĩ, nơi khoảng 80 quốc gia tham dự đã ký một tuyên bố tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Tuy nhiên, một số quốc gia chủ chốt không tham gia hội nghị, trong đó có Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Mexico, Ả Rập Xê Út và Nam Phi.

Các chuyên gia cho đến nay hầu hết vẫn chỉ trích hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên do Ukraine tổ chức là "nỗ lực của phương Tây nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Kiev, thay vì đặt mục tiêu thực sự là tìm kiếm một kết thúc cho cuộc xung đột".

Trên thực tế, việc không có sự tham dự của Nga hay Trung Quốc, hội nghị thượng đỉnh kết thúc với cam kết mơ hồ về một lần gặp tiếp theo nhưng không có kế hoạch cụ thể. Điều này đồng nghĩa với việc chặng đường tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine vẫn còn nhiều thách thức.

Theo Asia Times, Newsweek, Reuters