Nga tuyên bố phá hủy "sát thủ diệt hạm" phương Tây cấp cho Ukraine
(Dân trí) - Quân đội Nga tuyên bố phá hủy thêm các vũ khí do Mỹ sản xuất tại Ukraine, trong đó có tên lửa chống hạm Harpoon.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga hôm 12/7, lực lượng quân sự nước này đã phá hủy nhiều vũ khí do Mỹ và phương Tây sản xuất tại Ukraine. Một số hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon đã bị nhắm mục tiêu trong một cuộc tấn công bằng tên lửa Iskander phóng từ mặt đất ở Odessa.
"Tổ hợp tên lửa chính xác cao Iskander phá hủy các bệ phóng của hệ thống tên lửa diệt hạm Harpoon do Mỹ sản xuất tại gần làng Berezan, tỉnh Odessa", Bộ Quốc phòng Nga thông báo.
Làng Berezan cách thành phố cảng Odessa khoảng 20km về phía tây bắc. Bộ Quốc phòng Nga không cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ tấn công.
Tuần trước, quân đội Nga tuyên bố phá hủy 2 hệ thống tên lửa Harpoon gần làng Liman trong cùng khu vực bằng một cuộc tấn công tên lửa phóng từ biển.
Harpoon là hệ thống tên lửa chống hạm do Boeing chế tạo. Một số quốc gia phương Tây đã cung cấp các tên lửa này cho Ukraine. Các quan chức Ukraine tuyên bố rằng vũ khí này là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với cán cân sức mạnh quân sự ở biển Đen. Loại vũ khí này cũng được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể khả năng của lực lượng vũ trang Ukraine trong bối cảnh khu vực biển Đen của nước này đang bị Nga phong tỏa.
Harpoon được biết đến là một trong những loại tên lửa chống hạm thành công nhất trên thế giới và đang được biên chế cho lực lượng vũ trang của trên 30 nước. Được triển khai lần đầu tiên vào năm 1977 với vai trò là hệ thống tên lửa chống hạm trong mọi điều kiện thời tiết, Harpoon sử dụng quỹ đạo bay lướt trên mặt biển ở tầm thấp với sự dẫn đường của radar chủ động.
Loại tên lửa này có khả năng thực hiện nhiệm vụ của tên lửa đối đất và chống hạm. Với đầu đạn nổ nặng 227kg, hỏa lực của "sát thủ" Harpoon có thể nhắm đến nhiều mục tiêu trên đất liền, trong đó có các vị trí phòng thủ ven biển, cơ sở tên lửa đất đối không, máy bay đang đậu trên mặt đất và thậm chí cả các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Ukraine từ lâu không che giấu mong muốn có được những vũ khí mạnh hơn của Mỹ ngoài các tên lửa Javelin, Stinger. Kiev muốn sở hữu tên lửa có thể giúp quân đội của họ đẩy lùi lực lượng hải quân của Nga khỏi các cảng biển ở Biển Đen, nhằm khôi phục hoạt động giao thương. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các nước phương Tây cấp cho nước này tên lửa Harpoon hoặc các tên lửa khác có năng lực tương đương.
Một số quan điểm cho rằng, mối đe dọa do vũ khí phương Tây gây ra, bao gồm tên lửa Harpoon, là lý do khiến Nga quyết định rút quân khỏi đảo Rắn 2 tuần trước. Trong khi đó, Moscow cho biết đây là hành động "thiện chí" nhằm "chứng minh với cộng đồng quốc tế rằng Nga không can thiệp vào nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong thiết lập hành lang nhân đạo xuất khẩu sản phẩm nông sản Ukraine".
Đảo Rắn cách mũi cực Nam của Ukraine khoảng 48km và cách bán đảo Crimea khoảng 300km. Đảo rộng khoảng 18ha, được mô tả là có vị trí chiến lược trên Biển Đen. Nga đã kiểm soát đảo này ngay những ngày đầu mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2.