1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga tuyên bố phá hủy hơn 15.000 xe bọc thép của Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Kể từ khi xung đột nổ ra, Nga đã phá hủy hơn 15.000 xe tăng và xe bọc thép các loại của Ukraine. Moscow tuyên bố sẽ tiếp tục "chiến dịch quân sự đặc biệt" cho đến khi đạt mục tiêu đề ra.

Nga tuyên bố phá hủy hơn 15.000 xe bọc thép của Ukraine - 1

Nga tuyên bố phá hủy hàng loạt xe tăng của Ukraine (Ảnh: Reuters).

Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/2 cho hay, sau gần 2 năm xung đột, quân đội Nga đã phá hủy 570 máy bay chiến đấu, 266 trực thăng, hơn 12.000 thiết bị không người lái, 469 tên lửa đất đối không, hơn 15.000 xe tăng và xe bọc thép các loại của Ukraine.

Ngoài ra, Moscow cũng phá hủy hơn 1.200 bệ phóng rocket, hơn 8.000 pháo dã chiến phòng không, pháo cối và nhiều thiết bị quân sự khác của Kiev.

Xung đột Nga - Ukraine nổ ra từ tháng 2/2022. Tổng thống Nag Vladimir Putin tuyên bố, "chiến dịch quân sự đặc biệt" này nhằm "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa" chính quyền Ukraine.

Sau gần 2 năm, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14/2 cho biết Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự cho đến khi đạt mọi mục tiêu đề ra.

Ông Peskov cũng nhấn mạnh, sự can dự của phương Tây không làm thay đổi mục tiêu chiến dịch của Nga.

"Chiến dịch quân sự đặc biệt được phát động chống lại Ukraine. Theo thời gian, nó biến thành một cuộc chiến chống lại tập thể phương Tây. Đây là cuộc chiến mà các nước phương Tây do Mỹ dẫn dắt trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột. Sự can dự đó có thể khiến chiến dịch quân sự của Nga kéo dài hơn, nhưng không thể làm thay đổi mục tiêu của chiến dịch", ông nói.

Điện Kremlin đầu tuần này cũng bác bỏ thông tin Tổng thống Putin đã liên hệ với phía Mỹ để đóng băng xung đột ở Ukraine và bị Washington từ chối.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua nhận định, khả năng giải quyết xung đột Ukraine bằng con đường ngoại giao là không cao do "phương Tây không có ý định ngừng gây tổn hại tới lợi ích của Moscow".

Mặt khác, ông nhấn mạnh, Nga luôn sẵn sàng tìm kiếm giải pháp phi quân sự để chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine. "Chúng tôi vẫn để ngỏ khả năng giải quyết xung đột bằng con đường chính trị và ngoại giao, miễn là có tính đến lợi ích hợp pháp của chúng tôi và tình hình thực tế", ông nói.

Trước đó, trả lời phỏng vấn truyền thông về  triển vọng của các cuộc đàm phán mới giữa Nga và Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Peskov cho biết Kiev phải chấp nhận các điều kiện mới, cho dù điều đó có "đau đớn" đến mức nào.

"Nếu chúng ta nối lại các cuộc đàm phán, hiện tại sẽ có một thực tế hoàn toàn khác. Với thực tế mới này, dù chính quyền Kiev có cảm thấy đau đớn đến đâu, họ cũng phải chấp nhận", ông Peskov nói.

Theo giới quan sát, "thực tế mới" mà Nga muốn Ukraine chấp nhận là việc một số vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga, trong đó có bán đảo Crimea. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần khẳng định không bao giờ nhượng bộ về lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Tuần trước, Tổng thống Zelensky kêu gọi lãnh đạo mới của quân đội Ukraine cần đưa ra một chiến lược mới trong năm nay nhằm đẩy lùi lực lượng Nga. "Chúng ta cần bàn thảo một kế hoạch hành động chi tiết, thực tế cho lực lượng vũ trang trong năm 2024, có tính đến tình hình thực tế trên chiến trường và các triển vọng", ông nêu rõ.

Theo TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm