1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga từ chối ngừng bắn, đặt mục tiêu loại bỏ "thế thống trị của phương Tây"

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Moscow đã lên tiếng từ chối đề nghị ngừng bắn do Belarus đưa ra, đồng thời cáo buộc Mỹ và phương Tây đang cố gắng làm suy yếu nước Nga

Phản ứng của Nga và Ukraine về đề xuất ngừng bắn của Belarus

Trong bài phát biểu thường niên trước Quốc hội và Chính phủ hôm 31/3, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã lên tiếng kêu gọi các bên tham gia trong xung đột Nga - Ukraine "ngừng bắn ngay lập tức". Moscow và Kiev sau đó đã ngay lập tức có những phản ứng trước đề xuất này.

Nga từ chối ngừng bắn, đặt mục tiêu loại bỏ thế thống trị của phương Tây - 1
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Reuters).

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Nga chưa thể chấp thuận đề xuất ngừng bắn tại Ukraine vào thời điểm này. Lý do của quyết định này là việc thỏa thuận ngừng bắn sẽ không thể giúp Moscow đạt được các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, ông Peskov tiết lộ Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ hội đàm với Tổng thống Lukashenko vào tuần tới để thảo luận thêm về đề xuất của Belarus.

Về phía Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng lên tiếng bác bỏ đề nghị ngừng bắn của Tổng thống Belarus.

"Việc ngừng bắn sẽ đồng nghĩa với việc quân đội Nga có thể ở lại các vùng lãnh thổ đang được lực lượng này chiếm đóng. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Quân đội Ukraine có quyền di chuyển quân và trang thiết bị trên lãnh thổ của mình nếu thấy cần thiết", ông Podolyak tuyên bố.

Chiến lược đối ngoại mới của Nga

Nga từ chối ngừng bắn, đặt mục tiêu loại bỏ thế thống trị của phương Tây - 2
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thông qua chiến lược đối ngoại mới của Nga hôm 31/3 (Ảnh: Tass).

Cũng trong ngày 31/3, Tổng thống Vladimir Putin đã ký thông qua chiến lược đối ngoại mới của Nga, trong đó đặt mục tiêu loại bỏ thế thống trị của các quốc gia phương Tây trên trường quốc tế.

"Liên bang Nga đặt mục tiêu xóa bỏ mọi vết tích về sự thống trị của Mỹ và các quốc gia không thân thiện khác trên trường quốc tế", văn bản chiến lược với tên gọi Khái niệm Chính sách Đối ngoại của Nga có đoạn.

Trong chính sách trên, Nga cũng nhấn mạnh sự cần thiết của "thế giới đa cực", đồng thời cáo buộc Mỹ đã có "những chính sách không thân thiện nhằm vào Nga, qua đó trở thành rủi ro lớn nhất với an ninh" của quốc gia này.

"Chính sách làm suy yếu Nga bằng mọi cách từ Mỹ và phương Tây có thể được xem là một dạng chiến tranh lai kiểu mới", văn bản trên nêu rõ, đồng thời giải thích chiến tranh lai có thể được hiểu như một dạng xung đột được cấu thành từ nhiều phương thức khác nhau, bao gồm cả quân sự, chính trị và tấn công mạng.

Nga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như các quốc gia thân thiện tại châu Á và châu Âu.

Tuy nhiên, trong chiến lược đối ngoại vừa được thông qua, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow "không coi mình là kẻ thù cũng như không tự cô lập mình khỏi phương Tây". Nga bày tỏ mong muốn các quốc gia phương Tây "nhận ra sự vô ích của các chính sách thù địch" và quay trở lại hợp tác với Nga trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

"Liên bang Nga sẵn sàng đối thoại và hợp tác trên cơ sở này", văn bản Khái niệm Chính sách Đối ngoại của Nga nhấn mạnh.

Mỹ cùng các nước phương Tây hiện chưa lên tiếng bình luận về chiến lược đối ngoại mới của Nga.

Theo RT, Reuters, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm