Nga-Trung có máy bay mạnh hơn F-35 sau... nửa thế kỉ nữa
Theo Tướng James Holmes, Phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, nửa thế kỷ tới, Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ phát triển máy bay mạnh hơn F-35.
Tuyên bố này được Tướng James Holmes nói đến trong bài viết được đăng tải trên tạp chí quốc phòng National Interest sau khi Lầu Năm Góc tuyên bố rằng tiêm kích tàng hình F-35 sẽ phục vụ thêm 6 năm trước khi nghỉ hưu vào năm 2070.
Trước kế hoạch này, các tướng lĩnh Mỹ cảnh báo rằng Nga và Trung Quốc sẽ không mất nhiều thời gian để thiết kế và chế tạo những máy bay mạnh hơn chiếc F-35 đắt đỏ.
Ông James Holmes cho rằng: “Trong thực tế, cả Nga và Trung Quốc đã dần lấp đầy khoảng cách kỹ thuật như chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar đã viết trên National Interest rằng: Qua nửa thế kỷ sau, Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ phát triển những máy bay mạnh hơn F-35 – thực vậy, đã có những chỉ dấu cho thấy họ đã có cách”.
Trong khi đó, Đại tá Mike Pietrucha chia sẻ cảm nghĩ trên trang web War on the Rocks: “Chúng ta đã có công nghệ vượt qua những nhà thiết kế phòng không của cả Nga và Trung Quốc giống như sự tiến xa hơn về công nghệ đã mang lại cho chúng ta lợi thế quyết định trong 1/4 thế kỷ trước”.
Sẽ không có gì đáng bàn về nhận định của chuyên gia Dave Majumdar nếu trước đó cũng trên tạp chí National Interest, Mỹ đã thừa nhận siêu tiêm kích F-35 đuối sức trước T-50 của Nga.
Dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Mỹ, National Interest hồi cuối năm 2015 cho biết máy bay chiến đấu động cơ phản lực Sukhoi T-50 mới linh hoạt và mạnh mẽ hơn nhiều máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ chế tạo.
Theo phân tích của một số chuyên gia thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, sức mạnh vượt trội nhất của T-50 trước F-35 là sự cơ động và khả năng tàng hình cực mạnh. Ngoài ra, T-50 còn được trang bị hệ thống hỏa lực không đối không và không đối đất cực mạnh, trong đó bao gồm tên lửa không đối không R77 và hai quả bom chống hạm 1.500 kg.
Đặc biệt, Sukhoi T-50 còn được trang bị 2 khẩu pháo 30 mm GSh-30-1, có thể bắn 1.800 viên đạn/phút. Sự yếu kém của F-35 khiến Mỹ phải lên kế hoạch phát triển máy bay thế hệ 6 nhằm đối trọng với T-50 thuộc thế hệ 5, National Interest nhận định.
Ngoài ra, theo phân tích của tạp chí Jane's, những hạn chế của F-35 được công khai, đáng kể nhất là F-35 hầu như mất khả năng tàng hình trước một số hệ thống radar mới của Nga và Trung Quốc.
Đặc biệt, dòng máy bay thế hệ 5 này còn mất khả năng tạo nhiễu nền trước các hệ thống radar trên (khả năng giúp F-35 “biến mất” vào nền nhiễu địa vật, môi trường).
Theo chuyên gia Bill Sweetman, tại triển lãm hàng không tại Moscow tổ chức hồi tháng 8/2013, ông này đã có điều kiện nói chuyện với một số nhà thiết kế các hệ thống radar chuẩn kỹ thuật số mới trang bị cho quân đội Nga.
Dòng radar tần số cao này có thừa đủ khả năng “vạch mặt” F-35 trong nhiều điều kiện tác chiến cụ thể. Vì vậy, dù F-35 là chiến đấu cơ tàng hình nhưng người Mỹ vẫn phải cần tới “sự hỗ trợ” của các máy bay đối kháng điện tử đi kèm nếu muốn F-35 sống sót trên chiến trường.
Theo Tuấn Hưng
Đất Việt