1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Chuyên gia Mỹ "bắt lỗi" của máy bay tàng hình F-35

(Dân trí) - Chuyên gia về quốc phòng của tạp chí National Interest của Mỹ cảnh báo các mẫu máy bay hiện đại và được trang bị công nghệ tàng hình F-22 hay F-35 của Không quân Mỹ có thể bị bắn hạ dễ dàng bởi các hệ thống radar và công nghệ tên lửa cải tiến.

Mẫu máy bay F-35. (Ảnh: AFP)
Mẫu máy bay F-35. (Ảnh: AFP)

Theo chuyên gia Dave Majumdar, giới chức quốc phòng và ngành công nghiệp sản xuất vũ khí Mỹ đã phớt lờ báo cáo cho rằng mẫu F-35 Joint Strike Fighter không thể duy trì ưu thế của mình trong các cuộc chiến giả định nhằm vào những mẫu máy bay đời cũ hơn. Họ tin rằng với tính năng tàng hình, F-35 có thể tránh được nguy cơ trở thành một "đống kim loại".

Trên tạp chí National Interrest, ông Dave Majumdar viết rằng: "Những cải tiến đơn giản về hệ thống xử lý tín hiệu, kết hợp với một tên lửa có đầu đạn lớn và hệ thống dẫn đường có thể khiến các hệ thống radar tầm thấp và những hệ thống vũ khí như vậy phát hiện và nhắm bắn máy bay F-35 phiên bản mới nhất".

Lầu Năm Góc và ngành công nghiệp sản xuất vũ khí Mỹ từng nhận thức rằng các hệ thống radar tầm thấp hoạt động trên băng tần VHF và UHF có thể phát hiện và theo dõi máy bay được trang bị công nghệ tàng hình. Tuy nhiên, họ cho rằng, một hệ thống radar như vậy không đủ khả năng theo dõi hiệu quả để dẫn đường cho tên lửa phòng không tấn công mục tiêu.

Chuyên gia Majumdar tiếp tục nêu quan điểm của ông bằng cách trích dẫn một câu hỏi tu từ từ một sĩ quan Hải quân Mỹ giấu tên trong bài viết: "Liệu nhiệm vụ nào cũng cần máy bay trang bị công nghệ tàng hình hay liệu các hệ thống radar đối phương phát hiện thấy F-35 mà không thể tổ chức tấn công?”

Trong khi đó, Đại tá về hưu Mike Pietrucha, người từng công tác trong các đơn vị thuộc Không quân Mỹ, cho rằng có hai thách thức khi sử dụng hệ thống radar tần số thấp để dẫn đường cho vũ khí. Đó là chiều rộng của chùm tia radar và độ dài xung. Tuy nhiên, cả hai vấn đề này đều có thể được xử lý bằng cách cải thiện hệ thống xử lý tín hiệu.

Chuyên gia Majumdar đánh giá, sau khi giải quyết được vấn đề dẫn đường cho các hệ thống radar hoạt động ở tần số thấp, các loại vũ khí được đặt trên đất liền hoặc trên tàu chiến, kể cả tên lửa cũ S-75 Dvina, cũng có thể bắn hạ máy bay được trang bị công nghệ tàng hình.

Máy bay chiến đấu trang bị công nghệ tàng hình của Mỹ đã gặp vấn đề với các hệ thống phòng không kể từ sau những năm 1960. Hồi tháng 3/1999, trong chiến dịch tấn công của NATO nhằm vào Nam Tư, một trong những hệ thống phòng không ở miền Trung Serbia đã bắn hạ được máy bay tàng hình F-117 Nighthawk bằng tên lửa S-125 Neva. Khi đó, máy bay F-117 Nighthawk đang nhận được nhiều lời ca ngợi sau khi thể hiện được sức mạnh trong cuộc chiến vùng Vịnh. Tuy nhiên, thất bại tại Nam Tư là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc quân đội Mỹ không sử dụng mẫu máy bay này kể từ năm 2008. Hiện các mảnh vỡ của mẫu F-117 Nighthawk vẫn đang được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không Belgrade.

Không như thiết kế của mẫu F-117 Nighthawk, cả mẫu F-22 và mẫu F-35 đều được thiết kế với đường dáng nhỏ gọn nhằm gây khó khăn cho hệ thống radar đối phương trong khi vẫn giúp duy trì được tốc độ bay cao. Với khả năng chiến đấu trên không và trên bộ đa dạng, mẫu F-22 Raptor được đánh giá là sự thay thế hiệu quả cho các phiên bản F-15 và F-16. Tuy nhiên, có chưa đầy 200 chiếc F-22 được sản xuất, với giá thành sản xuất lên tới 66 tỷ USD, trước khi chương trình này bị huỷ vào năm 2011 để ưu tiên cho chương trình F-35.

Tuy nhiên, mẫu F-35 chưa đáp ứng được kỳ vọng. Mỹ đã tiêu tốn khoảng 1.500 tỷ USD cho F-35 nhưng đáng tiếc loại máy bay này đã không thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến trên không giả định với máy bay thế hệ cũ, trong khi những lần chạy thử cho thấy còn nhiều vấn đề phát sinh.

Ngọc Anh

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm