1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga tính rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí với phương Tây

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga đã phát đi tín hiệu cho thấy nước này có thể rút khỏi hiệp ước vũ khí thông thường ở châu Âu (CFE), trong bối cảnh thỏa thuận này đang bị đình chỉ.

Nga tính rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí với phương Tây - 1

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov (Ảnh: Sputnik).

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ định Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov giám sát quy trình chính thức rút khỏi CFE ở quốc hội nước này. Ông Ryabkov sẽ thay mặt chính phủ Nga ở lưỡng viện để thực hiện việc rút khỏi thỏa thuận.

CFE là một trong những nền tảng của nỗ lực xuống thang căng thẳng giữa khối Hiệp ước Warsaw và NATO trong những ngày cuối cùng của Liên Xô. Được ký vào năm 1990, thỏa thuận đặt ra các giới hạn cho việc triển khai các lực lượng thông thường trên lục địa châu Âu và thiết lập nhiều cơ chế minh bạch khác nhau, như hoạt động thanh sát tại chỗ.

Nga từ lâu đã cáo buộc, việc NATO mở rộng trong những năm qua, bao gồm kết nạp các thành viên cũ của tổ chức Hiệp ước Warsaw, đã và đang phá hoại CFE.

Năm 2007, Nga tuyên bố đình chỉ một phần CFE, với lý do các thành viên mới của NATO không tuân thủ các giới hạn của hiệp ước đối với các lực lượng quân sự. Nga đã rút khỏi các cơ chế CFE vào năm 2015, nhấn mạnh Moscow không còn ý định tham gia.

Đây không phải là lần đầu tiên các thỏa thuận về kiểm soát vũ khí ở châu Âu có nguy cơ đối mặt với việc bị đình chỉ hoặc sụp đổ. Vào tháng 2, Nga tuyên bố tạm ngừng tham gia New START, thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Mỹ. Chính phủ Nga cáo buộc Mỹ vi phạm thỏa thuận, trong khi Washington phủ nhận điều này và chỉ trích Nga mới là bên không tuân thủ hiệp ước.

Năm 2002, cựu Tổng thống George W. Bush đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo, tuyên bố rằng Mỹ cần một hệ thống phòng thủ quốc gia để tự bảo vệ mình. Năm 2019, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã từ bỏ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung INF, cũng như chấm dứt Hiệp ước Bầu trời mở vào năm 2020.

Trong bối cảnh bầu không khí căng thẳng Nga - phương Tây leo thang, việc các bên rút khỏi các hiệp ước có mục tiêu duy trì tình hình ổn định chiến lược có thể sẽ gây ảnh hưởng tới an ninh ở châu Âu.

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm