1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ tiếp tục rút khỏi một thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức rút Mỹ khỏi hiệp ước Bầu trời mở, một hiệp ước về kiểm soát vũ khí có sự tham gia của Nga và hàng chục quốc gia khác.

Mỹ tiếp tục rút khỏi một thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga - 1

Một máy bay trinh thám của Mỹ (Ảnh: WIkipedia)

Mỹ ngày 22/11 tuyên bố chính thức rút khỏi hiệp ước quốc tế Bầu trời mở sau khi cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản.

Hiệp ước Bầu trời mở, được ký kết tại Helsinki vào tháng 3/1992 và có hiệu lực từ năm 2002. Theo đó, không quân của các bên tham gia có thể thực hiện các chuyến bay trên lãnh thổ các quốc gia khác để theo dõi các hoạt động quân sự. Trước khi Mỹ rút khỏi, hiệp ước có sự tham gia của 35 quốc gia, trong đó có Nga, Đức, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Baltic.

Hồi tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước, cáo buộc Nga vi phạm, nhưng chưa đưa ra bằng chứng cụ thể. Các nhà ngoại giao Mỹ sau đó đã đưa cho Nga một danh sách yêu cầu mới, nhưng Moscow từ chối, cáo buộc đây là “tối hậu thư”. Sau 6 tháng, việc kích hoạt rút khỏi hiệp ước đã có hiệu lực.

Sau khi rút khỏi hiệp ước, Mỹ sẽ không còn quyền thực hiện các chuyến bay trinh thám không vũ trang qua lãnh thổ Nga hoặc các quốc gia tham gia ký kết. Tuy nhiên, theo RT, Nga quan ngại rằng Mỹ sẽ yêu cầu các đồng minh NATO tham gia hiệp ước có thể cung cấp ảnh chụp từ trên không ở Nga để có được thông tin cần thiết, trong khi Washington chặn Nga thực hiện các chuyến bay trinh thám trên các cơ sở Mỹ.

Ngày 22/11, Bộ Ngoại giao Nga gọi tình hình hiện tại là “không thể chấp nhận”. Nga cho biết họ sẽ yêu cầu các nước còn tham gia hiệp ước “bảo đảm chắc chắn rằng họ sẽ tuân theo nghĩa vụ”. Thứ nhất, Nga muốn các nước sẽ không đưa ra các rào cản ngăn việc giám sát lãnh thổ theo quy định. Thứ hai, Nga muốn bảo đảm hình ảnh chụp từ các chuyến bay trinh thám không được phép chuyển tới một quốc gia thứ 3 không ký kết thỏa thuận.

Bầu trời mở là hiệp ước quốc tế mới nhất Mỹ rút khỏi trong bối cảnh căng thẳng với Nga có dấu hiệu leo thang. Năm ngoái, Mỹ rừng rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Gần nhất, Nga nói rằng Mỹ từ chối gia hạn một hiệp ước hạt nhân khác có tên là New START.

Trong khi đó, ông Joe Biden - người hiện được truyền thông Mỹ gọi là “Tổng thống đắc cử” - đã chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền Trump với hiệp ước Bầu trời mở là “thiếu tầm nhìn” và có ý ám chỉ rằng ông sẽ đưa Mỹ gia nhập trở lại nếu nhậm chức vào năm sau.

Mặt khác, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết ông lấy làm tiếc trước quyết định của Mỹ. Ông Mass tuyên bố hiệp ước Bầu trở mở là một phần quan trọng của nỗ lực kiểm soát vũ khí và Berlin sẽ tuân thủ thỏa thuận bất chấp Mỹ rút khỏi.