1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga tính dùng Snowden vạch trần chương trình gián điệp của Mỹ

(Dân trí) - Quốc hội Nga hôm qua đã gửi lời mời cựu điệp viên CIA Edward Snowden tham gia hỗ trợ điều tra, xem liệu các công ty mạng internet của Mỹ đã cung cấp những thông tin gì về các công dân Nga cho chính phủ Mỹ.

Snowden, một cựu nhân viên của một nhà thầu của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ, hiện đang bị chính quyền Mỹ truy nã vì đã tiết lộ chương trình theo dõi tối mật, được cho là nhắm tới hàng triệu người Mỹ. Kể từ sau khi bỏ trốn khỏi Hồng Kông, người này được cho là đang ẩn náu tại khu quá cảnh, sân bay Sheremetyevo, Mátxcơva.

Snowden đang trở thành tâm điểm chú ý của báo giới tòan cầu
Snowden đang trở thành tâm điểm chú ý của báo giới tòan cầu

“Chúng tôi mời Edward Snowden làm việc với chúng tôi với hy vọng rằng ngay khi anh ta giải quyết được vấn đề pháp lý, ông ấy sẽ hợp tác với các nhóm công tác của chúng tôi, và cung cấp các bằng chứng về việc các cơ quan tình báo Mỹ tiếp cận máy chủ của các công ty Internet”, thượng nghị sỹ Nga Ruslan Gattarov khẳng định.

Trước đó một ngày, Thượng viện Nga đã thành lập một nhóm công tác đặc biệt để điều tra các cáo buộc của Snowden.

Ông Gattarov chính là người đứng đầu nhóm công tác này. Phát biểu với hãng tin RIA Novosti, ông cho biết nhóm công tác gồm các nghị sỹ, các nhà ngoại giao, công tố viên và các quan chức ngành truyền thông. Kết quả sơ bộ của cuộc điều tra sẽ được công bố trong tháng 10.

Đến nay, nhiều công ty mạng hàng đầu của Mỹ như Facebook, Google, Yahoo, Apple… đều thừa nhận đã cung cấp thông tin của hàng nghìn người dùng theo yêu cầu của tình báo Mỹ.

Trong khi đó, một thành viên của Hội đồng nhân quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin là Kirill Kabanov cho biết, ông đã đề nghị các đồng nghiệp đề xuất chính phủ Nga cho Snowden tị nạn chính trị. Chủ tịch của hội đồng này, ông Mikhail Fedotov, khẳng định yêu cầu đó sẽ được xem xét và đưa ra bỏ phiếu.

Trước đó, Bộ trưởng ngoại giao Ecuador cho biết, Snowden, người đã bị Mỹ hủy hộ chiếu, đã xin tị nạn tại nước ông. Hôm thứ Tư, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng cho biết Snowden “gần như chắc chắn” sẽ được tị nạn chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này nếu nộp đơn xin tị nạn chính thức.

Chính quyền Obama “bật đèn xanh” cho hoạt động gián điệp?

Trong hai tài liệu mới nhất được tờ Guardian của Anh tiết lộ trong ngày hôm qua, chính quyền của Tổng thống Obama dường như đã cho phép Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) tiếp tục thu thập hàng loạt dữ liệu về chi tiết các thư điện tử, và việc sử dụng Internet của người Mỹ trong hơn 2 năm.

Chính quyền Tổng thống Obama có nhiều điều cần giải thích với người dân
Chính quyền Tổng thống Obama có nhiều điều cần giải thích với người dân

Theo đó, một chương trình theo dõi bí mật cung cấp các thư điện tử và lý lịch dữ liệu Internet cho chính phủ Mỹ đã được cho phép triển khai từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 bởi cựu Tổng thống George W. Bush. Đến khi ông Barack Obama nhậm chức sau đó, chương trình này vẫn được phép tồn tại đến năm 2011.

Kể từ đó đến nay, Guardian khẳng định, NSA đã tạo ra một hệ thống mới, chuyên thu thập và phân tích lịch sử liên lạc bằng thư điện tử được gửi vào và ra khỏi nước Mỹ.

Những bằng chứng được rò rỉ mới này xuất hiện 3 tuần sau khi cũng chính Guardian đăng tải các tài liệu mật của NSA do Edward Snowden cung cấp.

Trước đó, hôm 6/6, phóng viên Glenn Greenwald của tờ báo này đã nêu chi tiết cách thức lý lịch thông tin về sử dụng điện thoại - bao gồm những thông tin cơ bản về thói quen dùng điện thoại của hàng triệu người Mỹ - thường xuyên được cung cấp cho Washington dưới một sắc lệnh đặc biệt do Tòa án theo dõi tình báo nước ngoài của Mỹ phê chuẩn.

Trong bài báo lần này Guardian khẳng việc thu thập lý lịch thông tin trên được thực hiện trên cả những thư điện tử mà người Mỹ gửi và nhận.

Một trong hai bài báo được xuất bản tuần này cho thấy, một bản dự thảo năm 2009 từ Văn phòng Tổng thanh tra của NSA đã giải thích cách thức cơ quan này thực hiện “thu thập hàng loạt lý lịch thông tin”, bao gồm “những liên lạc với ít nhất một người bên ngoài nước Mỹ, hoặc những thông tin liên lạc giữa những người được biết chắc không phải công dân Mỹ. Tài liệu này được gắn nhãn “tối mật”.

Những thông tin này càng củng cố những cáo buộc trước đó rằng, chính phủ Mỹ hoàn toàn không chỉ thu thập thông tin về công dân nước ngoài như từng tuyên bố mà do thám cả chính công dân Mỹ.

Thanh Tùng
Tổng hợp