1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga sắp đưa tên lửa "bất khả chiến bại" đến Ukraine?

Minh Phương

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, Nga có thể sẽ sử dụng tên lửa siêu vượt âm Zircon trong chiến dịch quân sự ở Ukraine sau khi đưa tên lửa này vào biên chế khoảng cuối năm nay.

Nga sắp đưa tên lửa bất khả chiến bại đến Ukraine? - 1

Tên lửa siêu vượt âm Zircon của Nga được cho là có tốc độ bay gấp 9 lần âm thanh (Ảnh: EPA).

Tại sự kiện kỷ niệm ngày thành lập Hải quân Nga diễn ra ở thành phố St.Petersburg hôm 31/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo, quân đội nước này sẽ biên chế tên lửa siêu vượt âm Zircon trong vài tháng tới. Mặc dù sắp được đưa vào biên chế, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều thông tin đến loại tên lửa từng được Tổng thống Putin ca ngợi là "bất khả chiến bại" này.

Theo RT, tên lửa này có tên chính thức là 3M22 Zircon, một loại tên lửa siêu vượt âm chống hạm phóng từ biển. Tổng thống Putin lần đầu tiên hé lộ Zircon vào năm 2019. Đến tháng 1/2020, Nga tiến hành vụ phóng thử nghiệm Zircon đầu tiên từ một tàu chiến trên biển Barent và đã đánh trúng mục tiêu giả định cách xa 500km.

Giới chức Nga nói rằng, Zircon có thể đạt tốc độ Mach 9, hơn 11.000 km, khiến nó gần như không thể bị phát hiện hay đánh chặn. Ưu thế về tốc độ giúp Zircon qua mặt các hệ thống phòng thủ vốn được thiết kế để đối phó với các tên lửa có tốc độ chậm hơn.

Tuy được coi là tên lửa chống hạm, nhưng Zircon có thể tấn công cả mục tiêu trên biển và trên cạn, với tầm bắn lên tới 1.500km. Zircon có thể được triển khai trên các tàu tuần dương, tàu hộ vệ và tàu ngầm của Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho biết, trước mắt, tên lửa này sẽ được trang bị cho tàu hộ vệ tên lửa hiện đại Đô đốc Gorshkov thuộc Hạm đội phương Bắc.

Có thể thay đổi cục diện xung đột Nga - Ukraine

Nga sắp đưa tên lửa bất khả chiến bại đến Ukraine? - 2

Xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng khốc liệt (Ảnh minh họa: AFP).

Trả lời phỏng vấn Newsweek hồi tháng 5, chuyên gia quân sự Nicholas Drummond cho rằng, Nga nhiều khả năng sẽ sử dụng tên lửa Zircon khi loại tên lửa này sẵn sàng triển khai. Nga đã tiến hành nhiều vụ phóng thử tên lửa Zircon trong năm qua. Kể từ khi xung đột với Ukraine nổ ra hôm 24/2, Nga đã thử nhiều loại vũ khí mới, trong đó có tên lửa liên lục địa có khả năng hạt nhân RS-28 Sarmat có tầm bắn vươn tới Mỹ.

Chuyên gia này cũng nhận định, Zircon có thể sử dụng làm vũ khí trên chiến trường để phá hủy các sân bay hay các mục tiêu chiến lược trên mặt đất như kho đạn dược, nhiên liệu, các kho hậu cần. Theo ông, Nga có thể triển khai Zircon đến các thành phố của Ukraine nhưng sử dụng đầu đạn thông thường bởi dùng đầu đạn hạt nhân sẽ khiến xung đột leo thang đáng kể.

"Tên lửa Zircon là tên lửa rất đắt đỏ, ước tính từ 5 triệu USD đến 210 triệu USD/chiếc, trong khi mỗi tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ chưa đến 5 triệu USD", ông Drummond cho biết.

Ông tin rằng, Nga sẽ chỉ triển khai Zircon nhằm tăng cường năng lực quân sự đến mức không kéo NATO vào xung đột. "Tên lửa siêu thanh còn có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, chi phí cho việc sản xuất tên lửa Zircon có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vượt quá khả năng của Nga vào thời điểm này. Hơn nữa, nếu Nga bắt đầu sử dụng tên lửa Zircon gắn đầu đạn hạt nhân để phá hủy các thành phố của Ukraine, điều đó sẽ gây leo thang đáng kể", ông Drummond nói.

Chuyên gia Drummond bình luận thêm: "Hiện nay Mỹ chấp nhận cuộc xung đột này tiếp tục là cuộc chiến tranh tiêu hao hoặc đang rơi vào bế tắc. Nếu Nga bắt đầu sử dụng Zircon và mang lại những tác động có tính quyết định thì Mỹ gần như chắc chắn sẽ bắt đầu tăng cường cung cấp các loại vũ khí khác và có thể cung cấp tên lửa hành trình Tomahawk cùng các tên lửa tầm xa khác cho Ukraine".

Thông tin về Zircon được đưa ra trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine có chiều hướng gia tăng căng thẳng gần đây khi Kiev tiến hành chiến dịch phản công mạnh ở miền Nam, đặc biệt ở Kherson - thành phố lớn đầu tiên của Ukraine bị Nga kiểm soát hồi tháng 3.

Phó Cục trưởng tình báo quân đội Ukraine Vadym Skibitsky đánh giá, cuộc đối đầu ở Kherson sẽ quyết định cục diện chiến sự. Ông cho biết, những ngày qua, Nga liên tục huy động cánh quân chủ lực từ chiến trường Donbass để củng cố phòng thủ ở miền Nam.

Ông Skibitsky thừa nhận, ưu thế của Nga hiện nay là khả năng điều động lực lượng và vận chuyển trang thiết bị quân sự một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, Nga sẽ vẫn duy trì tiến công ở Donbass, miền Đông Ukraine, nhưng với tần suất thấp hơn.

Theo Newsweek, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine