Nga rút toàn bộ tàu ngầm khỏi Địa Trung Hải sau biến động chính trị ở Syria
(Dân trí) - Sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ, Hải quân Nga hiện không còn tàu ngầm nào ở Địa Trung Hải.
Theo Naval News, chiếc tàu ngầm cuối cùng đã rời đi vào ngày 2/1. Chỉ còn một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể còn ở đây nhưng Naval News cho rằng khả năng này cũng khó xảy ra.
Theo Naval News, đêm 2/1 tàu ngầm Novorossiysk (B-61) lớp Kilo cải tiến đã lặng lẽ đi qua eo biển Gibraltar. Giống như các hành trình thường lệ trở về biển Baltic, con tàu này di chuyển nổi trên mặt nước. Hành trình của tàu ngầm Novorossiysk đã được Hải quân Bồ Đào Nha xác nhận ngày 4/1.
Trong vòng một thập kỷ qua, Nga vẫn liên tục duy trì sự hiện diện của các tàu ngầm thông thường ở Địa Trung Hải. Lực lượng chuyên trách hải quân thường trực hiện nay của Nga trên biển Địa Trung Hải được thành lập năm 2013 và thường xuyên biên chế từ 1-2 hoặc nhiều hơn tàu ngầm lớp Kilo, luân phiên triển khai.
Thường xuyên theo dõi hành trình di chuyển của các tàu chiến Nga, chuyên gia Frederik Van Lokeren nhận thấy, dù đôi khi có những khoảng trống ngắn hạn, nhất là thời điểm cuối năm 2023, nhưng nói chung luôn có một tàu ngầm Kilo của Nga triển khai tại đây.
Các tàu ngầm này thường neo đậu ở Tartus nhưng từ 3/12/2024 đến nay không có một tàu nào ghé vào cảng. Đa phần thời gian, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường của Nga lưu lại ở cảng, kể cả khi có nhiệm vụ triển khai. Điều này cho thấy Nga khó có thể duy trì sự hiện diện thường xuyên ở Địa Trung Hải.
Căn cứ hải quân của Nga ở Tartus từng là một phần quan trọng để Moscow khuếch trương tầm ảnh hưởng, cả về quân sự và chính trị, ở Trung Đông và châu Phi. Vì vậy, số lượng tàu chiến và tàu ngầm giảm sự hiện diện chắc chắn sẽ có những tác động không nhỏ tới tham vọng này của Nga.
Moscow có thể tìm kiếm một địa điểm khác thay thế cho căn cứ hải quân Tartus. Gần đây, cũng đã xuất hiện thông tin đồn đoán về việc Nga đang thương thuyết một thỏa thuận với chính phủ mới ở Syria cho phép tiếp tục duy trì căn cứ này nhưng chưa có dấu hiệu nào chắc chắn.
Một số vị trí khác mà Nga có thể tính toán tới là Benghazi, Tobruk hay Al Burdi, những địa bàn nằm ở phía đông Libya. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa có một thỏa thuận nào như vậy được xác nhận, và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động xây dựng mới đang diễn ra.