Nga phản hồi sắc lệnh bác khả năng đàm phán của Ukraine
(Dân trí) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho rằng phương Tây đã buộc Ukraine phải thông qua sắc lệnh bác triển vọng đàm phán với Moscow.
"Chúng tôi đã chú ý đến một sắc lệnh gần đây của Tổng thống Ukraine phê chuẩn quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine về việc "không thể đàm phán" với tổng thống Nga", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên hôm 6/10.
Bà Zakharova đổ lỗi cho phương Tây, cho rằng phương Tây không muốn chấm dứt xung đột tại Ukraine, thậm chí muốn xung đột tiếp tục diễn ra.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh bác triển vọng đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Điều khoản đầu tiên của sắc lệnh nêu rõ: "Ukraine quyết định tuyên bố không thể tiến hành các cuộc đàm phán với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin".
Sắc lệnh được coi là chính thức hóa tuyên bố trước đó của nhà lãnh đạo Ukraine rằng, Kiev "sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng với một tổng thống khác".
Sắc lệnh của Tổng thống Zelensky được đưa ra trong bối cảnh Nga đang nhanh chóng hoàn tất thủ tục sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi ở đây. Tổng thống Putin đã ký kết với lãnh đạo của các vùng ly khai này hiệp ước sáp nhập.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 4/10 tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ không kết thúc nếu Ukraine không tham gia các cuộc đàm phán. Ông Peskov nói thêm rằng, "việc đàm phán cần có cả hai bên".
"Chúng tôi sẽ chờ tổng thống đương nhiệm (của Ukraine) thay đổi lập trường hoặc chờ tổng thống tiếp theo thay đổi lập trường vì lợi ích của người dân Ukraine", ông Peskov nhấn mạnh.
Trả lời phỏng vấn hồi tháng trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết: "Không ai từ chối lựa chọn đàm phán, mọi cuộc chiến đều kết thúc bằng đàm phán, nhưng vị trí của bạn trên bàn đàm phán mới là vấn đề quan trọng. Ngày nay, các cuộc đàm phán với Nga đang được tiến hành trên chiến trường".
Người đứng đầu ngành ngoại giao Ukraine nhấn mạnh: "Tuy vậy, chúng tôi sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán khi khôi phục hoàn toàn toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi đang nói rõ điều này với tất cả các đối tác, họ cũng không loại trừ khả năng đàm phán".
Kiev nhiều lần cho biết, xung đột chỉ chấm dứt khi Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ, trong đó có bán đảo Crimea. Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, cho biết Kiev đã có "một kế hoạch hòa bình tốt hơn, bao gồm giải phóng các vùng lãnh thổ, kể cả Crimea".
Các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine bị đình trệ kể từ cuối tháng 3. Kiev tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Moscow phải rút hết quân. Tổng thống Zelensky cũng khẳng định Ukraine sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ.
Nga nhiều lần tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass - nơi có hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk.