Nga nói Ukraine bắt đầu thảo luận đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin
(Dân trí) - Quan chức Nga cho biết một số thành viên của Quốc hội Ukraine đã bắt đầu thảo luận về đề xuất hòa bình của Tổng thống Vladimir Putin.
"Việc các nhà lập pháp Ukraine bắt đầu thảo luận về các đề xuất hòa bình của (Tổng thống Nga Vladimir) Putin về Ukraine là điều đúng đắn", Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin nói hôm 15/6.
"Trên thực tế, theo thông tin chúng tôi nhận được qua các kênh của quốc hội, một số đại biểu của Quốc hội Ukraine đã bắt đầu thảo luận về việc đó", ông Volodin nói thêm.
Tổng thống Putin ngày 14/6 đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine và phi quân sự hóa Ukraine cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư, trong khi cố vấn của ông Zelensky, Mikhail Podolyak, nói rằng các sáng kiến mới của Nga "không có đề xuất hòa bình thực sự".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý rằng chính quyền Kiev sẽ cần thời gian để suy nghĩ. Theo ông Peskov, Tổng thống Putin đã chọn thời điểm này để công bố đề xuất vì hội nghị hòa bình về Ukraine ở Thụy Sĩ diễn ra vào cuối tuần này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết đề xuất của Putin - về việc Ukraine từ bỏ 4 tỉnh mà Nga tuyên bố chủ quyền, ngừng chiến đấu và từ bỏ tham vọng trở thành thành viên NATO - chỉ nhằm mục đích đánh lạc hướng hội nghị hòa bình về Ukraine.
"Mọi người đều biết rằng đây là đề xuất không có ý định nghiêm túc, nhưng có liên quan gì đó đến hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ", ông Scholz nói.
Thụy Sĩ hôm nay 15/6 bắt đầu tổ chức hội nghị kéo dài 2 ngày về Ukraine tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock. Các phái đoàn từ 100 quốc gia và tổ chức sẽ tập trung tại khách sạn ở Burgenstock, trong đó có 57 đại diện ở cấp nguyên thủ quốc gia và chính phủ.
Lời mời trước đó đã được gửi tới hơn 160 quốc gia. Trung Quốc cho biết sẽ không cử phái đoàn tới hội nghị vì các yếu tố then chốt để tổ chức hội nghị không được đảm bảo. Bắc Kinh cho rằng diễn đàn về Ukraine "nên được cả phía Nga và Ukraine công nhận".
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng cho biết trong cuộc họp của Nhóm G7 ở Italy rằng chỉ có một hội nghị quốc tế được cả Kiev và Moscow công nhận mới có thể dẫn đến hòa bình ở Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự kiến sẽ có mặt tại Burgenstock.
Giới chức Thụy Sĩ cho biết, đây là hội nghị nhằm xác định lộ trình để đưa cả Nga và Ukraine tham gia tiến trình hòa bình trong tương lai. Trong khi đó, Moscow gọi hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ là thiếu mục tiêu rõ ràng và hoàn toàn "lãng phí thời gian".