1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Điện Kremlin: Đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin không phải tối hậu thư

Minh Phương

(Dân trí) - Điện Kremlin khẳng định đề xuất mới nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về chấm dứt xung đột với Ukraine không phải "tối hậu thư" mà là một sáng kiến hòa bình.

Điện Kremlin: Đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin không phải tối hậu thư - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Reuters).

"Đó chắc chắn là một sự hiểu lầm, nó chính xác là một sáng kiến hòa bình", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bình luận sau khi Ukraine cho rằng đề xuất mới của Tổng thống Putin về đàm phán hòa bình là "tối hậu thư".

Ông nói thêm: "Sáng kiến này nói về việc thảo luận sâu hơn các đảm bảo an ninh. Vì vậy, đây là một đề xuất toàn diện, rất sâu sắc và mang tính xây dựng".

Quan chức Điện Kremlin nhấn mạnh, tình hình hiện nay khác so với năm 2022 và Ukraine cần xét đến thực tế một số khu vực đã sáp nhập vào Nga.

Trước đó, trong cuộc gặp các quan chức Bộ Ngoại giao ngày 14/6, Tổng thống Putin đã nêu ra các điều kiện để ngừng xung đột, bắt đầu đàm phán hòa bình với Ukraine.

"Quân đội Ukraine phải rút hoàn toàn khỏi Donetsk, Lugansk, Zaporizhia và Kherson. Một khi Kiev tuyên bố sẵn sàng cho việc này và bắt đầu việc rút quân thực sự khỏi các khu vực nói trên, cũng như chính thức từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO, chúng tôi sẽ ngay lập tức ngừng bắn và bắt đầu đàm phán", chủ nhân Điện Kremlin cho biết.

Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng yêu cầu Ukraine duy trì quy chế trung lập, không liên kết và phi hạt nhân để giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình.

"Quan điểm cơ bản của chúng tôi như sau: quy chế trung lập, không liên kết, phi hạt nhân Ukraine, cùng với việc phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này. Những nội dung này đã được thống nhất rộng rãi trong các cuộc đàm phán ở Istanbul vào năm 2022", ông Putin nói.

Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga sẵn sàng tham gia đàm phán với Ukraine càng sớm càng tốt, đồng thời thừa nhận những vấn đề phức tạp liên quan.

Tuy nhiên, giới chức Ukraine ngay lập tức đã bác bỏ đề nghị của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi đề xuất của ông Putin là "tối hậu thư" và không thể chấp nhận được.

Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podoliak, cũng cho rằng đề xuất của Moscow "không thực tế".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, việc Nga yêu cầu Ukraine rút quân khỏi các khu vực mà Nga đã tuyên bố sáp nhập cho thấy Moscow không từ bỏ mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt.

Cơ hội đàm phán cho Ukraine đang thu hẹp dần

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói, Ukraine đã đánh mất một cơ hội khác để đạt được hòa bình khi từ chối đề xuất của Tổng thống Putin.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nêu rõ, Ukraine hoặc chấp thuận đàm phán với Nga hoặc sẽ buộc phải đầu hàng.

Ông cảnh báo: "Cơ hội đàm phán cho Ukraine đang giảm dần cùng với việc lãnh thổ bị thu hẹp lại". Ông nhấn mạnh, hiện giờ, Moscow chỉ đồng ý hòa đàm khi Ukraine xét đến tình hình thực địa.

Ông Medvedev cũng cho rằng, hội nghị hòa bình Ukraine diễn ra tại Thụy Sĩ cuối tuần này sẽ thất bại hoàn toàn.

Trong một diễn biến liên quan khác, ông Konstantin Gavrilov, người đứng đầu phái đoàn Moscow về đàm phán an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí tại Vienna, cho rằng đề xuất mới nhất của Tổng thống Putin rất thực tế. Quan chức này cảnh báo, nếu Ukraine từ chối, đề xuất tiếp theo mà Nga đưa ra sẽ là văn bản đầu hàng của chính quyền Kiev.

Theo Sputnik, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine