Nga nói sẽ làm mọi cách để ngăn Thế chiến III và thảm họa hạt nhân
(Dân trí) - Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga sẽ làm mọi cách để ngăn chặn kịch bản xảy ra Thế chiến III và thảm họa hạt nhân.
Sputnik đưa tin, ông Medvedev ngày 25/12 cảnh báo rằng, tình trạng căng thẳng trên toàn cầu sẽ trở nên không có điểm dừng cho tới khi Nga nhận được đảm bảo an ninh.
"Nếu chúng tôi không có được đảm bảo an ninh phù hợp, căng thẳng sẽ kéo dài vô tận. Thế giới sẽ tiếp tục đứng trước bờ vực của Thế chiến III và một thảm họa hạt nhân. Chúng tôi sẽ làm mọi cách để ngăn chặn kịch bản trên xảy ra", ông cho biết.
Hồi đầu tháng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi, kiến trúc an ninh tương lai cho châu Âu sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine khép lại, nên bao gồm cả đảm bảo an ninh cho Nga.
Ông Medvedev nói rằng, Nga không có gì để thương lượng với phương Tây vì lòng tin đã bị xói mòn và các sự kiện diễn ra trong năm 2022 đã loại bỏ cơ hội để các bên có thể đối thoại dựa trên sự tin tưởng.
Cựu Tổng thống Nga cáo buộc NATO có ý định mở rộng về hướng đông trong nhiều năm qua và đây là hành động "nhằm chuẩn bị cho xung đột với Nga". Ông cũng tuyên bố, Nga sẽ nỗ lực hết mình để đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt đã diễn ra ở Ukraine trong hơn 10 tháng qua.
Ngày 1/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo rằng bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, ngay cả khi nó bắt đầu bằng vũ khí thông thường, đều có khả năng leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân toàn diện. Do đó, kịch bản này cần phải tránh bằng mọi giá.
Hồi đầu tháng 12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Moscow vẫn sẵn sàng thực hiện các cuộc thảo luận về đảm bảo an ninh nếu phương Tây bày tỏ sự mong muốn.
Nga đã đưa ra các đề xuất về đảm bảo an ninh cho nước này tới Mỹ và đồng minh vào tháng 12/2021. Moscow đề nghị phương Tây đảm bảo rằng NATO sẽ không mở rộng thêm về phía đông, chủ yếu đề cập đến khả năng gia nhập khối của Ukraine và các điều khoản về việc không triển khai vũ khí tấn công, kể cả hạt nhân ở gần lãnh thổ Nga. Mỹ và các nước NATO cho hay, các yêu cầu của Nga liên quan đến việc mở rộng liên minh không thể được đáp ứng vì khối vẫn đang duy trì chính sách mở cửa.
Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cho biết, Moscow bỏ ngỏ việc có được giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng nước này sẽ không đàm phán theo các điều kiện tiên quyết do Kiev đưa ra.
"Mặc dù Nga không từ chối phương án đàm phán và giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, chúng tôi sẽ không thương lượng với các điều kiện tiên quyết do chính quyền Kiev đưa ra. Mọi thứ hiện phụ thuộc vào sự sẵn sàng của Kiev cho một giải pháp chính trị và ngoại giao thực sự cho cuộc khủng hoảng", ông Galuzin nói với Tass.
Hồi đầu tháng, sau khi ông Macron đưa ra đề xuất về việc đảm bảo an ninh cho Nga, nghị sĩ cấp cao, lãnh đạo phái đoàn đàm phán của Ukraine David Arakhamia nói, họ sẵn sàng thực hiện điều trên. Tuy nhiên, ông Arakhamia đặt ra 4 điều kiện cho Nga: Rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine; trả tiền bồi thường chiến sự; trừng phạt tất cả tội phạm chiến tranh; tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân.
"Sau đó, chúng tôi sẽ ngồi vào bàn đàm phán và thảo luận về các đảm bảo an ninh", ông Arakhamia tuyên bố.