Nga nối lại dòng chảy khí đốt cho châu Âu
(Dân trí) - Nguồn khí đốt tự nhiên của Nga ngày hôm qua cuối cùng đã chảy trở lại châu Âu một lần nữa, sau khi Mátxcơva và Kiev cùng “rút quân” trong cuộc chiến năng lượng khiến nhiều nước châu Âu phải trải qua hai tuần khinh hoàng giữa mùa đông lạnh giá.
Những gì diễn ra trong hai tuần qua đã khiến nhiều người dân châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhận khoảng ¼ lượng khí đốt từ Nga.
Nhưng dù sao, tâp đoàn khí đốt khổng lồ của Nga Gazprom đã bắt đầu mở van đường ống chảy qua Ukraine vào 10h30 sáng ngày 20/1 (giờ địa phương). Công ty khí đốt nhà nước Ukraine Naftogaz sau đó cũng xác nhận dòng chảy qua Sudzha, Pisarevka và những trạm bơm khí gas khác ở biên giới miền đông đã được khai thông.
Nhiều giờ sau, khí đốt bắt đầu chảy qua biên giới phía tây của Ukraine vào Slovakia. Dòng chảy khí đốt cũng được thông báo đã tới Hungary, Bulgaria và Moldova, những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong “cuộc chiến” này. Dịch lên phía tây, nguồn cung khí đốt cũng đã trở lại Áo, Cộng hòa Séc, Slovenia và Croatia.
Nga đã ngưng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Ukraine vào ngày 7/1 vừa qua, do bất đồng với Ukraine về giá khí đốt trong năm 2009 và tố cáo Ukraine ăn cắt phí đốt cung cấp cho châu Âu. Ukraine phản đối, cho rằng Nga không chi đủ cho các vấn đề kỹ thuật.
Hơn 15 nước ở khu vực Balkans và miền đông của châu Âu đã phải đi tìm nguồn năng lượng thay thế. Hàng ngàn nhà máy đã phải đóng cửa vì thiếu nhiên liệu và hàng triệu người đã phải sống trong cảnh rét mướt vì nhà không có khí đốt để sưởi.
EU cuối cùng đã được thở phào nhẹ nhõm.
“Thật không thể chấp nhận khi người tiêu dùng khí đốt châu Âu bị bắt làm con tin trong cuộc tranh chấp giữa Nga và Ukraine”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cho biết. “Chúng ta không thể cho phép mình bị đặt trong tình thế như thế này trong tương lai”.
Trước đó Barroso cho biết cuộc chiến cuối cùng đã được giải quyết, khi Thủ tướng Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Yulia Tymoshenko đã “đồng loạt” cam kết chấm dứt xung đột nhưng sau đó lại bội ước. “Tôi sẽ không quên điều đó”, ông nói. Nhiều người ở Balkans và miền đông châu Âu cũng vậy.
Trong khi đó, chỉ với hai tuần qua, Gazprom đã mất hơn 1 tỷ USD tiền bán khí đốt cho châu Âu và đã khiến khách hàng của mình bắt đầu có động thái tìm những nguồn năng lượng thay thế khác. Về lâu về dài, đây sẽ là bất lợi cho Nga, đất nước đang dựa nhiều vào nguồn năng lượng “trời cho” của mình.