1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hôm nay, Nga sẽ nối lại cung cấp khí đốt cho châu Âu

(Dân trí) - Nga sẽ bắt đầu bơm lại khí đốt cho châu Âu trong ngày hôm nay, sau một tuần gián đoạn.

Phó Chủ tịch tập đoàn năng lượng Nga Gazprom Alexander Medvedev đã thông báo tin này ngày hôm qua, sau khi Ukraine đã ký một văn bản mới của hiệp định theo dõi việc vận chuyển khí đốt mà không đặt thêm điều kiện nào.

Hiệp định để giải quyết vấn đề này vốn đã được Liên minh châu Âu (EU) điều giải cuối tuần trước, nhưng Nga đã rút ra khỏi thỏa thuận sau khi nói rằng các giới chức Ukraine đã đơn phương thêm vào hiệp định một tuyên bố viết tay sau khi hiệp định đã được ký kết.

Phó Thủ tướng Nga Igor Sechin, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và Bộ trưởng Thương mại Czech Martin Riman đều xác nhận tuyên bố trên.

Phó Thủ tướng Sechin khẳng định việc khôi phục cung cấp khí đốt cho EU nếu không có trở ngại nào. Còn trong cuộc họp khẩn giữa các bộ trưởng năng lượng EU tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Riman nói: “Nga đã cam kết với chúng tôi sẽ mở lại các van cung cấp khí đốt vào lúc 7h00 ngày 13/1(giờ GMT), nếu không có cản trở gì”.

Theo giới quan sát, dù sao thì cuộc tranh chấp khí đốt giữa hai nước đồng minh cũ đã làm cho Nga thiệt hại cả về uy tín lẫn tiền bạc trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Kể từ khi van bị khóa, mỗi ngày Gazprom thất thu đến 120 triệu USD, tương đương với 60% thu nhập. Từ ngày 07/01/2009, Gazprom ngưng hẳn việc cung cấp khí đốt cho Ukranie. Đối với một tập đoàn đang phải đương đầu với khủng hoảng tài chính, thì đây không phải là chuyện nhỏ.

Giới quan sát cũng cho rằng nội dung hai thỏa thuận nói trên không khác nhau là bao.

Bản thân thủ tướng Vladimir Putin ám chỉ điều quan trọng nhất là phải áp đảo được Ukranie, đồng thời chứng minh với EU rằng đã đến lúc tây Âu cần tìm ra một con đường trung chuyển năng lượng khác, không đi qua lãnh thổ Ukranie. Ông Putin giải thích là châu Âu cần một đường ống dẫn khí đốt trực tiếp nối liên Liên bang Nga với Châu Âu. Con đường này hoặc đi về phía Bắc, xuyên qua lòng biển Baltic, hoặc đi về phía Nam qua ngả Hắc hải.

Cả hai công trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt nói trên đều đang tiến triển rất chậm chạp. Nếu như qua vụ khủng hoảng lần này, mà hai dự án nói trên được khai thông thì điện Kremlin coi đây là một thắng lợi.

Trước mắt, khí đốt của Nga vẫn phải chuyển tới Âu Châu qua đường ống chạy ngang Ukranie. Ukranie muốn Nga trả thêm lệ phí quá cảnh, trong lúc Nga đòi Ukranie trả giá cao hơn cho số khí đốt mà họ mua của Nga.

Trà Giang
Theo CNN