1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga nêu quan điểm về đề xuất hòa bình chấm dứt xung đột

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga cho rằng phương Tây sẽ không chấp nhận đề xuất hòa bình liên quan tới việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga.

Nga nêu quan điểm về đề xuất hòa bình chấm dứt xung đột - 1

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu tại một hội nghị ở Caracas, Venezuela hôm 18/4 (Ảnh: Getty).

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Caracas, Venezuela hôm 18/4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hoan nghênh khuôn khổ do Trung Quốc và Brazil đưa ra, trong đó có đề xuất chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

"Chúng tôi hoan nghênh quan điểm của Trung Quốc và chúng tôi cũng đã tổ chức các cuộc hội đàm với Brazil về vấn đề này. Đây là những đề xuất rất hữu ích vì chúng có thể giúp chia sẻ ý tưởng và giúp giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, tất cả những điều này không nằm trong lập trường của phương Tây", ông Lavrov cho biết.

Theo ông Lavrov, phương Tây sẽ không chấp nhận một "đề xuất hòa bình" mà trong đó bán đảo Crimea được sáp nhập hoàn toàn vào Liên bang Nga. Trong khi đó, Ukraine nhiều lần nói rằng hòa bình cho cuộc xung đột sẽ chỉ đạt được nếu Kiev giành lại Crimea.

"Chúng tôi hy vọng chính quyền Kiev tôn trọng các quyền của Crimea, chúng tôi hiểu phương Tây đang yêu cầu (Kiev) giành lại Crimea", ông Lavrov nói thêm.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, phương Tây cho rằng chính quyền Ukraine buộc phải giành lại Crimea và Donbass dưới sự kiểm soát của Kiev.

"Làm sao có thể hy vọng rằng chính quyền Kiev đại diện cho lợi ích của người dân ở Crimea và người dân ở đông nam Ukraine - vùng lãnh thổ mà những người bảo trợ phương Tây yêu cầu Kiev giành lại bằng vũ lực", ông Lavrov nói.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 18/4 cũng tuyên bố, Nga "sẵn sàng lắng nghe" bất kỳ ý tưởng nào liên quan đến việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng ý tưởng đó phải "tính đến lợi ích của Moscow".

Phát biểu của các quan chức Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đầu tháng này đề xuất rằng, Ukraine có thể từ bỏ bán đảo Crimea để cuộc chiến với Nga có thể khép lại. Theo ông Silva, phía Kiev "không thể muốn tất cả mọi thứ".

Tổng thống Silva cho biết ông đã thảo luận với nhiều lãnh đạo nước ngoài về ý tưởng thành lập một nhóm quốc gia hòa giải với mô hình như G20 để tìm giải pháp hòa bình cho chiến sự ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Brazil cho rằng, cả Nga và Ukraine đều không có bước đi khả quan nào nhằm chấm dứt xung đột. 

Sau đề xuất của ông Silva, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ukraine Oleh Nikolenko tuyên bố Kiev "không đánh đổi lãnh thổ của mình". Ông Nikolenko khẳng định không có lý do pháp lý, chính trị hay đạo đức nào khiến Ukraine phải từ bỏ dù chỉ một tấc đất.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao Ukraine một lần nữa nhấn mạnh lập trường của nước này: Bất kỳ nỗ lực hòa giải nào nhằm khôi phục hòa bình ở Ukraine phải dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.

Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, nhưng cuộc trưng cầu dân ý do Moscow tổ chức về việc sáp nhập không được Ukraine và phương Tây công nhận. Cho tới nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn từ chối đàm phán với Moscow, khẳng định trước tiên Nga phải rút toàn bộ quân đội khỏi Ukraine.

Ông Mykhailo Podoliak, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, cũng tuyên bố: "Nền tảng cho các cuộc đàm phán thực chất với Nga là Moscow phải rút hết quân ra khỏi biên giới Ukraine được quốc tế công nhận năm 1991, bao gồm bán đảo Crimea".

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine