1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga nêu loạt điều kiện để đàm phán hòa bình với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Nga tuyên bố Moscow vẫn muốn đàm phán với Kiev, nhưng cần biết ai có đủ tính hợp pháp để đàm phán thay mặt Ukraine.

Nga nêu loạt điều kiện để đàm phán hòa bình với Ukraine - 1

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin (Ảnh: Tass).

"Tất nhiên, chúng tôi cần hiểu ai sẽ là đối tác hợp pháp", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin nói với hãng tin Tass bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 5/6.

Ông Galuzin nhấn mạnh phía Nga "vẫn thiên về đàm phán".

"Trước hết, chúng tôi mong đợi rằng phương Tây sẽ ngừng bơm vũ khí cho chính quyền Kiev. Chúng tôi cũng mong đợi Kiev sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đàm phán tự áp đặt với chúng tôi", nhà ngoại giao Nga cho biết.

Ukraine đang tích cực thảo luận về tính hợp pháp của chính phủ trong trường hợp không có các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống, vốn không thể tổ chức trong thời gian thiết quân luật.

Nghị sĩ Verkhovna Rada (quốc hội Ukraine) Alexander Dubinsky cho rằng quyền lực của tổng thống Ukraine, theo hiến pháp, hết hạn vào ngày 21/5 và không có cách nào hợp pháp để gia hạn. Cựu đại sứ nước này tại Anh Vadym Pristayko thừa nhận các đối tác phương Tây của Kiev cũng lo ngại về việc kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông Volodymyr Zelensky.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng vấn đề tính hợp pháp của Tổng thống Zelensky sau ngày 20/5 cần được giải quyết bằng hệ thống chính trị và pháp luật của Ukraine. Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo an Nga Dmitry Medvedev cho rằng ông Zelensky đã vi phạm luật pháp của nước mình khi nỗ lực nắm giữ quyền lực dù đã hết nhiệm kỳ.

Ông Putin nói rằng, Nga phải hoàn toàn chắc chắn rằng đang thực sự làm việc với giới chức trách hợp pháp của Ukraine để tham gia vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa và ràng buộc về mặt pháp lý nhằm giải quyết xung đột giữa hai quốc gia.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cảnh báo, Moscow có thể không công nhận ông Zelensky là nhà lãnh đạo hợp pháp của Ukraine sau ngày 20/5.

Theo kế hoạch ban đầu, một cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra tại Ukraine vào ngày 31/3 để chọn ra người kế nhiệm ông Zelensky. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, ông Zelensky cho biết, Ukraine sẽ không tổ chức bất kỳ một cuộc bầu cử nào trong giai đoạn thiết quân luật như hiện nay.

Ukraine bắt đầu thiết lập tình trạng thiết quân luật kể từ khi xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022. Kể từ đó đến nay, quốc hội nước này đã nhiều lần gia hạn thiết quân luật.

Đầu năm nay, ông Zelensky tiếp tục nhắc lại việc không thể tổ chức bầu cử do tình hình chiến sự và do nhu cầu huy động nhập ngũ toàn quốc.

Chính quyền Tổng thống Putin khẳng định Moscow vẫn để ngỏ đàm phán với Ukraine, song Kiev không có thiện chí khi Tổng thống Volodymyr Zelensky ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với Nga. Do vậy, để nối lại hòa đàm, Kiev trước tiên phải hủy bỏ sắc lệnh đó và chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ".

Moscow cảnh báo, Kiev càng chậm trễ nối lại đàm phán, các điều kiện sau này sẽ càng khó khăn hơn.

Trong khi đó, Tổng thống Zelensky tuyên bố, mọi cuộc hòa đàm với Nga nếu diễn ra đều phải dựa trên cơ sở công thức hòa bình 10 điểm của Ukraine, hay nói cách khác phải dựa vào điều khoản mà Kiev đưa ra.

Ông Zelensky và giới chức Ukraine đã ra sức kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với công thức hòa bình này. Tuy nhiên, Moscow nêu rõ, mọi đàm phán về xung đột hiện nay nếu không có sự tham gia của Nga đều vô nghĩa.

Theo Tass