1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga nêu khả năng nối lại đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga đã nêu khả năng khởi động lại tiến trình đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine sau 2 tháng đình trệ.

Nga nêu khả năng nối lại đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine tại Donetsk, miền Đông Ukraine (Ảnh: Reuters).

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 24/6 cho biết, nếu Ukraine muốn quay trở lại bàn đàm phán để chấm dứt xung đột, Moscow sẽ phải xem xét "tình hình trên thực địa".

Ông Lavrov cáo buộc một số nước phương Tây không cho phép chính quyền Ukraine thiết lập lại nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột với Nga.

Các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev đã bị đình trệ kể từ lần cuối cùng được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 3. Tại vòng đàm phán này, Kiev đã đề xuất một thỏa thuận về các cam kết an ninh dành cho Ukraine, đổi lại Kiev sẽ chấp nhận trung lập. Tuy nhiên, giới chức Nga sau đó cáo buộc Ukraine rút lại các đề xuất ban đầu.

Từ đó đến nay, phía Ukraine khẳng định sẽ chỉ nối lại các cuộc đàm phán với Nga khi họ có "vị thế đàm phán mạnh mẽ hơn". Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông sẽ chỉ tái khởi động các cuộc đàm phán sau khi Kiev giành lại các vùng lãnh thổ bị mất sau ngày 24/2 - thời điểm Nga mở màn chiến dịch quân sự tại nước láng giềng.

Tuần trước, nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine David Arakhamia cho biết, chính quyền Kiev tin rằng họ có thể đạt được một "vị thế thuận lợi" trên bàn đàm phán vào cuối tháng 8 bằng cách tiến hành "các chiến dịch phản công ở một số khu vực nhất định".

Ông Arakhamia nhấn mạnh rằng Ukraine "sẽ không bao giờ chấp nhận việc mất lãnh thổ", khẳng định điều này là "bất khả thi về mặt pháp lý". Nhà ngoại giao Ukraine tuyên bố, một thỏa thuận tối thiểu với Moscow chỉ có thể được xem xét nếu quân đội Nga trả lại toàn bộ vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại nước láng giềng.

"Chúng tôi có thể xem xét một số hiệp ước chính trị như hiệp ước từng được đề xuất ở Istanbul. Ví dụ, chúng tôi sẽ không đề cập đến vấn đề Crimea trong vài năm. Chúng tôi làm điều đó không chỉ về mặt quân sự mà về mặt ngoại giao", ông Arakhamia lưu ý.

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba tuần trước tuyên bố, nếu Kiev nhận đủ vũ khí hạng nặng từ phương Tây, họ có thể đánh bại Nga và giành quyền kiểm soát các khu vực. Ông cũng kêu gọi phương Tây không đưa ra các điều khoản hòa bình "không thể chấp nhận được" đối với Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 23/6 khẳng định, Ukraine phải chấp thuận mọi yêu cầu của Nga nếu muốn đạt được một giải pháp hòa bình.

Tổng thống Zelensky đầu tháng 6 cho biết ông sẵn sàng gặp mặt để đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc chấm dứt xung đột. Trong khi đó, ông Putin cũng khẳng định Nga sẵn sàng đối thoại với Ukraine.

Tổng thống Putin từng nêu ra những yêu cầu của Moscow để đạt được một thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột với Ukraine.

Yêu cầu đầu tiên do Tổng thống Putin đưa ra là Ukraine phải duy trì tình trạng trung lập và không xin gia nhập NATO. Ngoài ra, ông Putin cũng muốn Ukraine trải qua một quá trình giải giáp vũ khí để đảm bảo nước này không phải là mối đe dọa đối với Nga, đồng thời bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Ukraine.

Nga còn yêu cầu chính phủ Ukraine công nhận độc lập của các vùng lãnh thổ ly khai ở miền Đông. Moscow cũng muốn Ukraine phải chính thức chấp nhận Crimea thuộc về Nga, sau khi Nga sáp nhập bán đảo này vào năm 2014. 

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine