Nga nêu điều kiện tổ chức hội đàm Putin - Zelensky
(Dân trí) - Trước khi hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky diễn ra, hai bên cần có những những thỏa thuận chắc chắn để tiến tới ký kết, Điện Kremlin cho biết.
"Về cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky, không có gì thay đổi. Không ai muốn một cuộc gặp cho có", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Izvestia hôm nay 6/9.
Ông giải thích thêm, để một cuộc hội đàm như vậy có thể diễn ra, "rất nhiều việc cần phải làm, hai bên cần đưa ra các thỏa thuận có thể chính thức hóa ở cuộc họp cấp cao nhất". "Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chưa có kế hoạch nào cho cuộc hội đàm đó", ông Peskov nói.
Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya 1 TV, ông Peskov cho biết, Moscow sẵn sàng đàm phán với Kiev nhưng chỉ dựa trên cơ sở Ukraine sẵn sàng đáp ứng các điều kiện của Nga ra sao. Ông cũng khẳng định, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch và sẽ đạt mọi mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky ban đầu nói rằng, ông muốn thảo luận trực tiếp với nhà lãnh đạo Nga về tương lai chiến sự, nhưng sau đó cho biết triển vọng đàm phán với Nga là không khả thi.
Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2 chỉ vài ngày sau khi công nhận độc lập cho hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk thuộc Donbass, miền Đông Ukraine. Ông Peskov cho biết, đa số người Nga ủng hộ quyết định mở chiến dịch này. Giới chức Nga khẳng định, chiến dịch nhằm bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga ở Donbass trước kế hoạch tấn công tổng lực của quân đội Ukraine. Từ lâu, Tổng thống Putin đã bày tỏ sự quan tâm đến cộng đồng người nói tiếng Nga ở các quốc gia Liên Xô cũ sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Theo học thuyết đối ngoại mới của Nga được Tổng thống Vladimir Putin thông qua hôm 5/9, Nga sẽ "bảo vệ, thúc đẩy truyền thống và lý tưởng của Thế giới Nga".
Chính sách này nhấn mạnh đến việc bảo vệ các quyền lợi của cộng đồng người nói tiếng Nga trong quá trình phát triển quan hệ văn hóa và nhân đạo với các nước Baltic, Moldova và Georgia.
"Liên bang Nga hỗ trợ đồng bào của mình ở nước ngoài thực hiện các quyền của họ, đảm bảo lợi ích và bảo tồn bản sắc văn hóa Nga", tài liệu 31 trang nêu rõ. Chính sách trên được cho là sẽ giúp Nga củng cố hình ảnh trên trường quốc tế "như một quốc gia dân chủ đang nỗ lực xây dựng thế giới đa cực".
Ngoài ra, chính sách mới nhấn mạnh, Nga cần tăng cường hợp tác với những quốc gia Slavic, Trung Quốc, Ấn Độ, thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Trung Đông, Mỹ Latin và châu Phi.
Moscow cũng cần tăng cường quan hệ với hai vùng ly khai Abkhazia và Ossetia ở Georgia, Donetsk và Lugansk của Ukraine.