Nga - Mỹ tiết lộ kho vũ khí hạt nhân
(Dân trí) - Nga và Mỹ đã công bố số lượng vũ khí hạt nhân của mỗi nước, trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và khối liên minh quân sự NATO đang leo thang dồn dập.
Nga ngày 25/10 đã công bố báo cáo mới nhất về "tổng số vũ khí tấn công chiến lược", con số mà cả Moscow và Washington có nghĩa vụ phải kiểm đếm và công khai 6 tháng một lần trong khuôn khổ Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) có hiệu lực từ năm 2011.
Thỏa thuận đặt ra các giới hạn và các biện pháp nhằm xác minh thông tin lẫn nhau đối với 2 cường quốc vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Trong lần công bố số liệu gần nhất, Nga thông báo họ có 527 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai, 1.458 đầu đạn trên các ICBM, SLBM, máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai cũng như 742 bệ phóng ICBM, bệ phóng SLBM, máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai và chưa triển khai.
Báo cáo của Nga cũng cấp con số vũ khí hạt nhân của Mỹ, tương tự như với con số mà Mỹ công bố hồi tháng trước.
Thỏa thuận START mới đưa ra quy định rằng 2 nước chỉ được triển khai tối đa 700 ICBM, SLBM và máy bay ném bom hạng nặng; 1.550 đầu đạn cho ICBM, SLBM và máy bay ném bom hạng nặng; 800 bệ phóng ICBM, SLBM, máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai và chưa triển khai.
Hai cường quốc hạt nhân công bố về kho vũ khí trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và NATO liên tục leo thang giữa 2 bên.
Tuần trước, Nga tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với NATO với việc dừng hoạt động của phái bộ ngoại giao tại NATO và đóng cửa phái bộ NATO tại Moscow từ tháng 11 tới. Động thái của Moscow dường như nhằm đáp trả việc NATO đã trục xuất 8 thành viên phái bộ Nga tại trụ sở ở Brussels (Bỉ) hồi đầu tháng 10, cáo buộc họ là "sĩ quan tình báo không khai báo". Ngoài trục xuất 8 thành viên, NATO còn cắt giảm thêm 2 vị trí của phái bộ Nga, khiến quy mô của phái bộ Nga tại Brussels giảm từ 20 người xuống còn 10 người.
Hôm qua, khi được yêu cầu bình luận về tình trạng quan hệ tồi tệ giữa 2 bên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói: "Tôi sẽ không nói là tình hình đang rất tồi tệ. Để nó trở nên tồi tệ, ít nhất Nga chúng tôi cũng phải có mối quan hệ. Nga giờ đây không còn quan hệ với NATO".
Cả hai bên từ lâu đã cáo buộc lẫn nhau về các động thái gây bất ổn. Quan hệ giữa Moscow và NATO bắt đầu xấu đi sau sự kiện năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Nga cũng bị cáo buộc hỗ trợ lực lượng đòi độc lập ở miền đông Ukraine, điều mà Moscow nhiều lần bác bỏ.
Bản thân thỏa thuận START mới đã tiến đến bờ vực của sự sụp đổ hồi đầu năm, nhưng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nhậm chức, ông và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã thống nhất việc 2 bên sẽ gia hạn thỏa thuận này.