1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga muốn đàm phán trực tiếp với Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Nếu Nga và Ukraine nối lại đàm phán, các cuộc hòa đàm này nên diễn ra theo cơ chế song phương, không qua trung gian.

Nga muốn đàm phán trực tiếp với Ukraine - 1

Phái đoàn Nga và Ukraine hòa đàm tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3/2022 (Ảnh: Reuters).

Trả lời phỏng vấn hãng tin Tass ngày 12/1, Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga Alexey Polishchuk, cho rằng hòa đàm trực tiếp là phương án tốt nhất để tiến tới chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.

"Nếu Nga và Ukraine nối lại đàm phán, những cuộc đàm phán đó nhiều khả năng sẽ theo hình thức trực tiếp. Đây là phương án tốt nhất bởi thực tế cho thấy các nhà trung gian phương Tây thường theo đuổi mục tiêu của riêng họ và tìm cách gây ảnh hưởng lên tiến trình đàm phán, họ hành động không vì mục đích giải quyết xung đột mà vì lợi ích kinh tế, chính trị của họ", ông Alexey Polishchuk nói.

Nhà ngoại giao Nga cho biết, các cuộc đàm phán hồi đầu năm ngoái giữa hai bên cũng theo hình thức trực tiếp. Trong đó, 3 vòng đối thoại được tổ chức tại Belarus và một cuộc ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là các cuộc trao đổi trực tuyến gần như hàng ngày.

Các cuộc hòa đàm giữa Moscow và Kiev bế tắc kể từ cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 3/2022. Kể từ đó đến nay, hai bên tiếp tục tuyên bố sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột, song chưa thể nối lại do cả Nga và Ukraine đều đưa ra những điều kiện mà bên còn lại không chấp nhận.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nêu "công thức hòa bình" gồm 10 điểm, trong đó yêu cầu Nga phải rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine.

Moscow đã bác bỏ những đề nghị này, đồng thời cho biết bất cứ trao đổi nào không tính đến "thực tế mới về lãnh thổ" đều không thể coi là hòa đàm. Thực tế lãnh thổ mới mà Moscow đề cập đến là việc 4 tỉnh Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.

Kịch bản Belarus tham gia vào xung đột Ukraine

Trong cuộc phỏng vấn, ông Aleksey Polishchuk cũng đề cập đến kịch bản Belarus có thể tham gia vào chiến dịch quân sự ở Ukraine nếu bị tấn công.

"Từ góc độ pháp lý, việc Kiev sử dụng sức mạnh quân sự để tấn công lãnh thổ Belarus có thể là cơ sở cho một phản ứng tập thể", ông nói. Ông cũng nhấn mạnh thêm, quyết định cuối cùng sẽ do lãnh đạo hai nước đưa ra.

Belarus là một đồng minh của Nga. Quân đội 2 nước đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung trước và sau khi Moscow ở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Belarus cáo buộc phương Tây đang tìm cách lôi kéo nước này tham gia vào xung đột Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Alexander Lukashenko khẳng định, Belarus sẽ không can dự trực tiếp vào cuộc chiến trừ khi các quốc gia khác muốn chống lại Minsk.

Nga gần đây liên tiếp đưa lực lượng đến Belarus tập trận chung. Ông Polishchuk cho biết, các cuộc diễn tập này nhằm ngăn chặn "các đối thủ tiềm năng gây leo thang và khiêu khích". Tuy nhiên, Kiev lo ngại Nga có thể mở đợt tiến công mới vào Ukraine theo ngả Belarus.

Theo TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine