1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga bác "tối hậu thư", hối thúc Ukraine đàm phán theo sáng kiến hòa bình

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Sergey Lavrov cáo buộc phương Tây đưa ra "tối hậu thư" cho Nga về Ukraine, bất chấp nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình của Moscow.

Nga bác tối hậu thư, hối thúc Ukraine đàm phán theo sáng kiến hòa bình - 1

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (Ảnh: Sputnik).

"Hầu như mọi điều phương Tây làm, những gì họ tuyên bố, những gì họ thực hiện trên thực tế kể từ khi (Nga) bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt (tại Ukraine), đều là một phần trong tối hậu thư gửi tới Nga về mọi mặt", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Belarus hôm 24/6.

Ông Lavrov cho biết, tối hậu thư của phương Tây bao gồm "triển vọng về một giải pháp chính trị và ngoại giao đã bị phá hoại" theo lệnh của phương Tây vào tháng 4/2022, cùng với "sự mở rộng ngày càng tăng của phạm vi vũ khí" mà chính phương Tây cung cấp cho chính quyền Ukraine.

Ông Lavrov khẳng định Nga không tổ chức bất kỳ "cuộc đàm phán cửa sau" nào với bất kỳ ai về việc giải quyết xung đột Ukraine.

"Chúng tôi không tổ chức bất kỳ cuộc đàm phán cửa sau nào với bất kỳ ai. Phương Tây từ chối tổ chức đàm phán một cách công bằng, chưa kể đến việc (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky đã cấm toàn bộ lãnh đạo Ukraine đàm phán với Liên bang Nga", ông Lavrov nói thêm.

Ông Lavrov cũng nhắc lại rằng, đề xuất hòa bình do Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra ngày 14/6 "là kết quả của sự phân tích thấu đáo và mang tính xây dựng về thực tế hiện tại". Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga cho biết phương Tây không đưa ra phản hồi thực chất nào về đề xuất này.

"Thiện chí của chúng tôi đã được thể hiện rõ ràng. Chúng tôi đã cho thấy nhiều thiện chí. Nhiều lần, bắt đầu từ năm 2014, chúng tôi đã đưa ra đề xuất tìm một giải pháp mà các bên đều có thể chấp nhận được đối với tình hình mà phương Tây đã tạo ra ở Ukraine. Chúng tôi đã và đang làm như vậy, nhưng gặp phải sự từ chối liên tục. Sáng kiến gần đây của Tổng thống Putin về những cách giải quyết (xung đột) thực tế cũng gặp phải thái độ tiêu cực tương tự", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Tổng thống Putin gần đây đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi phát xít hóa và phi quân sự hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư, trong khi cố vấn của ông Zelensky, Mikhail Podolyak, nói rằng các sáng kiến mới của Nga "không có đề xuất hòa bình thực sự".

Ukraine cho đến nay vẫn ủng hộ công thức hòa bình được Tổng thống Zelensky đưa ra cuối năm 2022. Đây là một bản đề xuất gồm 10 điểm, trong đó có các yêu cầu như Nga phải rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường chiến tranh. Tuy nhiên, Nga không công nhận công thức hòa bình này.

Theo Sputnik