1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga không dừng chiến dịch ở Ukraine cho đến khi đạt thỏa thuận cuối cùng

Minh Phương

(Dân trí) - Nga sẽ không dừng các hoạt động quân sự ở Ukraine cho đến khi các bên đạt được thỏa thuận cuối cùng thay vì tạm dừng hoạt động quân sự như trước đó, Ngoại trưởng Nga cho biết.

Nga không dừng chiến dịch ở Ukraine cho đến khi đạt thỏa thuận cuối cùng - 1

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: AFP).

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình quốc gia Nga ngày 11/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, không có lý do gì để Nga và Ukraine không tiếp tục đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố, Moscow sẽ không ngừng hoạt động quân sự trước các vòng đàm phán.

Ngoại trưởng Lavrov nói, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tạm ngừng chiến dịch quân sự trong thời gian diễn ra vòng đàm phán đầu tiên giữa hai bên hồi cuối tháng 2, song kể từ đó lập trường của Moscow đã thay đổi.

"Sau khi chúng tôi tin rằng phía Ukraine không có ý định hành động tương tự (tạm ngừng hoạt động quân sự trong thời gian đàm phán), chúng tôi quyết định, ở các vòng đàm phán tiếp theo, chúng tôi sẽ không tạm dừng các hoạt động quân sự khi chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov.

Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2 với việc đưa hàng chục nghìn binh sĩ cùng với khí tài quân sự tới quốc gia láng giềng. Moscow khẳng định, chiến dịch này chỉ phá hủy các mục tiêu quân sự nhằm mục tiêu "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraine.

Phái đoàn hai bên đã tiến hành ít nhất 4 vòng đàm phán trực tiếp nhằm tháo ngòi xung đột nhưng chưa đạt được tiến triển đáng kể. Ngoại trưởng Lavrov tuần trước cáo buộc Kiev đưa ra dự thảo hiệp ước hòa bình khác so với nội dung hai bên đã thảo luận tại vòng đàm phán gần đây nhất tại Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ và điều này là "không thể chấp nhận được". Tuy nhiên, Kiev đã lên tiếng bác bỏ.

Nga cho biết chỉ kết thúc chiến dịch quân sự ở Ukraine khi đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó, Kiev phải cam kết trung lập, không gia nhập các liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ, không sở hữu hạt nhân, công nhận Crimea là lãnh thổ thuộc Nga và công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở Donbass.

Lãnh đạo một số quốc gia đang nỗ lực hòa giải nhằm tháo ngòi xung đột Nga - Ukraine. Thủ tướng Áo Karl Nehammer hôm 11/4 đã trở thành lãnh đạo châu Âu đầu tiên gặp mặt trực tiếp Tổng thống Putin kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ông Nehammer cho biết, cuộc đối thoại "rất trực tiếp, cởi mở và cứng rắn". Ông nói thêm rằng, thông điệp quan trọng nhất mà ông gửi đến Tổng thống Putin là xung đột ở Ukraine phải kết thúc. Thủ tướng Áo cũng bày tỏ hy vọng có thể cải thiện điều kiện cho dân thường tại Ukraine.

Ông Nehammer đã nói với nhà lãnh đạo Nga rằng, phương Tây sẽ tiếp tục tăng cường các lệnh trừng phạt Moscow nếu dân thường vẫn thiệt mạng ở Ukraine. Áo đã cùng các quốc gia thành viên EU khác trục xuất các nhà ngoại giao Nga để phản đối chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine