Nga khiến Mỹ điêu đứng trong cuộc bàn bạc mới về Syria?
Nga khiến Mỹ từ việc xuống nước đồng ý không kích chung đến lo sợ đưa ra lời đề nghị Moskva dừng không kích nhánh al-Qaeda ở Syria.
Mỹ muốn Nga dừng không kích al-Qaeda
Ngày 3/6, trong bài phát biểu trên truyền hình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Washington đã đề nghị Moskva không tấn công Mặt trận Nusra, nhánh al-Qeada ở Syria.
Ông Lavrov nhấn mạnh, Nga và Mỹ đã tổ chức đối thoại về cách bảo vệ lệnh ngừng bắn ở Syria và tiêu diệt phiến quân IS, mặt trận Nusra nên là ưu tiên hàng đầu.
“Họ bảo chúng tôi không tấn công chúng (Mặt trận Nusra) bởi có nhóm đối lập “bình thường” ở cạnh... chúng. Nhưng nhóm đối lập đó phải rời khỏi khu vực của những kẻ khủng bố, chúng tôi đã nhất trí về vấn đề này từ lâu”, ông Lavrov khẳng định.
Trong khi đó tại Paris (Pháp), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông đã điện đàm với người đồng cấp Nga Lavrov hôm 3/6 để thảo luận về tình hình bạo lực gia tăng ở Syria. Hai ngoại trưởng trao đổi với nhau trong khoảng một giờ.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner, ông Kerry còn nhấn mạnh Nga cần phải cẩn thận phân biệt giữa IS, Mặt trận Nusra với các nhóm đối lập hợp pháp.
“Chúng tôi hoàn toàn nhất trí IS và Mặt trận Nusra tạo ra mối đe dọa thực sự với an ninh thực địa ở Syria”, Toner nói.
Ông lưu ý không kích nhằm vào lực lượng đối lập và dân thường chỉ khiến người dân “thêm ủng hộ những nhóm khủng bố này”.
Nga khiến Mỹ điêu đứng trong cuộc bàn bạc mới?
Lời đề nghị của Nhà Trắng với Nga được đưa ra ngay sau khi nước này chấp nhận lời đề nghị không kích chung tại Syria của Moskva.
Nhìn nhận các động thái gần đây trên chiến trường, giới phân tích cho rằng Nga đang dần trở lại làm chủ cuộc chơi và khiến Mỹ điêu đứng trong cuộc bàn bạc mới về Syria.
Còn nhớ hồi tháng 5, Nga đã nhiều lần đề xuất không kích chung với Mỹ chống phiến quân IS nhưng kế hoạch trên nhanh chóng bị khước từ.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 20/5, Lầu Năm Góc khẳng định các lực lượng Mỹ “không phối hợp với phía Nga trong mọi chiến dịch ở Syria” và Washington có mục tiêu quân sự khác với Moskva.
“Các chiến dịch của Nga đang hỗ trợ cho chính quyền al-Assad còn chúng tôi chỉ tập trung vào làm suy yếu và tiêu diệt Nhà nước IS”, Jeff Davis, người phát ngôn Lầu Năm Góc nói.
Không hề nao núng trước thái độ lạnh lùng của Nhà Trắng, Nga và quân đội Assad vẫn không ngừng gia tăng các đợt không kích trên chiến trường.
Ngày 3/6, dưới sự yểm trợ của không quân Nga, quân chính phủ đã phát động một cuộc tấn công lớn mới, quyết giải phóng thành phố Raqqah ở phía đông bắc nước này khỏi nanh vuốt của những kẻ khủng bố IS.
Cùng thời điểm trên, các chiến đấu cơ của quân đội Syria đã dội bom dồn dập, phá nát các thành trì của IS ở phía bắc thành phố Aleppo, giết chết và làm bị thương hàng chục tên khủng bố.
Trước đó, cả Nga và đội quân Assad đã cùng nhau sát cánh trong các cuộc đối đầu với IS tại Hama, Fallujah, Daraa hay Damascus... giáng những đòn chí mạng vào phiến quân khủng bố, giành thêm một vùng kiểm soát rộng lớn.
Trong bối cảnh Nga cũng như quân giải phóng Syria ngày càng tấn công thần tốc, mạnh mẽ, làm chủ nhiều vị trí chiến lược, Washington đã buộc phải điều chỉnh thái độ cũng như chấp nhận lời đề nghị trước đó mà điện Kremlin đưa ra.
Ngày 1/6, Bộ Ngoại giao Nga thông báo, Ngoại trưởng Lavrov đã có cuộc thảo luận với người đồng cấp Mỹ Kerry về “sự cần thiết của các hành động kiên quyết chung” giữa hai nước nhằm tiêu diệt những tay súng thuộc Mặt trận al-Nusra, một nhóm thánh chiến có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda, ở Syria.
Quyết định trên được đưa ra trong cuộc điện đàm do phía Mỹ đề xuất, trong đó 2 bên đặc biệt quan tâm tới sự phát triển của nhóm tổ chức Nhà nước IS ở Iraq và Syria, cũng như đưa ra các giải pháp hòa bình giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Cùng ngày, giới chức Moskva cho biết, một thỏa thuận ngừng bắn trong vòng 48 giờ tại thị trấn Daraya đã được thống nhất “với sự đồng thuận của các quan chức Mỹ” nhằm giúp cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân nơi đây.
Từ việc chấp nhận xuống nước chấp nhận lời đề nghị không kích chung trên chiến trường đến việc đưa ra lời yêu cầu Nga dừng tấn công vào nhóm Mặt trận al-Nusra ở Syria, giới phân tích cho rằng dù chỉ là các cuộc thảo luận bước đầu nhưng Washington đã tỏ rõ sự lép vế của mình so với Moskva.
Thực sự, nếu muốn Nga chấm dứt các hoạt đông không kích nhằm vào nhánh al-Qaeda ở Syria như lời Nhà Trắng tuyên bố thì việc cần làm vào thời điểm này của Washington đó là cùng nhau thực hiện lời đề nghị hợp tác như chính quyền Putin đã đưa ra trước đó.
Theo Tuấn Hùng (Tổng hợp)
Đất Việt