1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga khắc chế "hỏa thần" HIMARS, Ukraine căng mình phá trận địa pháo binh

Thành Đạt

(Dân trí) - Lực lượng Ukraine không thể theo kịp tốc độ bắn pháo hiện tại của Nga và sẽ cần các loại vũ khí khác nhau nếu Kiev muốn làm giảm lợi thế của đối phương về hỏa lực.

Nga khắc chế hỏa thần HIMARS, Ukraine căng mình phá trận địa pháo binh - 1

Hệ thống M142 HIMARS khai hỏa theo hướng Bakhmut, Ukraine (Ảnh: Getty).

"Đạn pháo do phương Tây cung cấp cho Ukraine trong tương lai khó có thể vượt Nga", Michael Kofman và Dara Massicot, chuyên gia tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, và Rob Lee, chuyên gia tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại, nhận định.

Lực lượng Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng và bị quân đội Nga áp đảo về vũ khí. Tình trạng này đánh dấu sự đảo ngược đáng kể so với giai đoạn mùa hè, khi Kiev sử dụng đạn pháo để tấn công các vị trí của Nga. Nguyên nhân của tình trạng này là do Nga tăng cường sản xuất đạn pháo và mua vũ khí từ nước ngoài.

Theo ước tính, Ukraine hiện chỉ bắn 2.000 quả đạn pháo mỗi ngày, trong khi Nga bắn khoảng 10.000 quả đạn mỗi ngày. Các chuyên gia cho rằng tốc độ bắn của Moscow sẽ tiếp tục được duy trì ở mức hiện tại hoặc cao hơn trong năm nay.

Theo các chuyên gia Kofman, Massicot và Lee, "vì Ukraine không thể vượt qua hàng phòng thủ của Nga vào mùa hè năm ngoái với lợi thế về số lượng đạn pháo, nên triển vọng cho các cuộc tấn công trong tương lai sẽ tồi tệ hơn, trừ khi Ukraine và các nước ủng hộ họ có thể bù đắp bằng cách tăng cường các lợi thế khác".

"Điều này có nghĩa là số lượng đạn pháo sẽ phải được bổ sung bằng máy bay không người lái và các thiết bị tấn công chính xác khác trong tương lai", các chuyên gia nói thêm.

Các chuyên gia cho biết, điều đáng chú ý là Ukraine hiện không còn dựa vào Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) hoặc đạn pháo Excalibur do Mỹ cung cấp để làm suy giảm hỏa lực của Nga.

HIMARS đã được chú trọng khi lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường vào năm 2022 và khi Kiev sử dụng chúng để tấn công các vị trí của Nga, đồng thời ngăn cản Moscow bố trí số lượng lớn đạn dược gần tiền tuyến và duy trì tốc độ bắn cao.

Nhưng đến năm 2023, Nga đã thích nghi với vấn đề này và chuyển các khí tài có giá trị cao - như kho đạn dược và các cơ sở hậu cần - ra khỏi tầm bắn của HIMARS, làm giảm hiệu quả của vũ khí này.

Các chuyên gia cho rằng với những điều chỉnh này, phương Tây và Ukraine cần phải tìm ra những biện pháp mới để giảm tốc độ bắn của lực lượng Nga, trong đó một giải pháp tiềm năng là các loại đạn dẫn đường chính xác hơn với tầm bắn xa hơn.

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng những cải tiến về khả năng tác chiến điện tử của Nga đã làm giảm hiệu quả của các loại vũ khí tiên tiến dẫn đường bằng GPS như tên lửa HIMARS hoặc đạn pháo Excalibur do Mỹ cung cấp. Đây là một vấn đề nan giải khác mà các bên ủng hộ Ukraine sẽ phải giải quyết khi chuyển giao vũ khí trong tương lai.

"Việc lên kế hoạch không chỉ cần dựa trên kinh nghiệm từ năm 2023 mà còn phải tính đến khả năng thích ứng và đổi mới công nghệ trên chiến trường", các chuyên gia cho biết.

Ukraine đã nhận được một số loại đạn dược dẫn đường chính xác hiệu quả từ các thành viên NATO vào năm 2023 và sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu của Nga. Lực lượng Ukraine đã sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP-EG do Anh và Pháp cung cấp để tấn công Hạm đội Biển Đen của Nga, đồng thời chuyển sang sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật MGM-140 hay ATACMS do Mỹ cung cấp để giáng một đòn mạnh vào phi đội trực thăng của Nga.

Ukraine chỉ có một số lượng hạn chế các loại vũ khí này. Mặc dù gần đây Pháp đã cam kết cung cấp thêm tên lửa SCALP cho Ukraine, nhưng vẫn chưa có bất kỳ xác nhận nào về các cuộc tấn công mới bằng ATACMS và cũng không có thông tin về việc chuyển giao vũ khí này từ mùa thu năm ngoái.

Trong bối cảnh tương lai viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine vẫn chưa chắc chắn, các quan chức phương Tây tiếp tục phát tín hiệu rằng việc ngừng viện trợ quân sự có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc trong tương lai gần.

"Nếu chúng ta muốn có một nền hòa bình lâu dài và công bằng, chúng ta phải cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí và đạn dược hơn. Cung cấp vũ khí cho Ukraine là con đường dẫn đến hòa bình", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây.

Theo Business Insider